Dân Việt

Thêm hiểu về nông thôn

Hoài Lê (thực hiện) 16/10/2013 14:08 GMT+7
Trong bộ phim truyền hình 30 tập “Sóng gió làng nghề” đang phát sóng trên kênh Let’s Viet, Võ Thành Tâm vào vai nam chính, một thanh niên chí thú gìn giữ nghề sơn mài truyền thống của làng. Anh trò chuyện với phóng viên Báo NTNN về vai diễn này.
Võ Thành Tâm thường vào vai gai góc hoặc công tử, lần này trong phim “Sóng gió làng nghề”, anh vào vai Đức - một thanh niên nông thôn quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. Sự thay đổi này có gì khó khăn không?

- Với người đã theo nghề diễn viên chuyên nghiệp thì nhận vai nào mình cũng phải cố gắng làm tốt như nhau thôi. Tuy nhiên, vai Đức trong phim “Sóng gió làng nghề” cũng là một kỷ niệm rất đặc biệt với tôi, bởi vì công việc của nhân vật này rất khó, là người làm nghề tranh sơn mài, không thể làm chơi chơi mà được. Do đó, trước khi phim bấm máy, tôi phải tìm hiểu và học hỏi cách làm sơn mài rất nhiều, tập luyện rất nhiều.

Nghề này rất cần sự tỉ mỉ, chu đáo, tôi đã học từng công đoạn một, từ việc tách ốc để làm khảm trai, làm xong thì đến cách mài thế nào để có thành phẩm. Nói chung đó là một công đoạn rất là khó vì dao rất bén, cần sức và cả sự khéo léo nên lúc làm tôi bị đau nhừ hết cả 2 bàn tay. Tuy nhiên, những khó khăn đó chỉ như một thử thách cho vai diễn thôi, nó không làm tôi bị nản.

Võ Thành Tâm (phải) trong phim “Sóng gió làng nghề”.
Võ Thành Tâm (phải) trong phim “Sóng gió làng nghề”.
Anh có thể nói gì về vai diễn của mình, theo anh, đó có phải là hình tượng chung của thanh niên nông thôn hiện nay hay không?

- Khi tìm hiểu kịch bản và nhân vật để thể hiện vai Đức, tôi thực sự đã hiểu thêm rất nhiều điều về nông thôn, đặc biệt là các làng nghề hiện nay. Câu chuyện trong phim xảy ra ở một làng nghề truyền thống, ở đó đang có một cuộc đấu tranh cam go giữa việc giữ gìn các công đoạn nghiêm ngặt của cách làm nghề và những bí quyết do cha ông truyền lại, hay là làm theo kiểu chộp giật để chạy theo doanh thu chớp nhoáng.

Đức vì vẫn khát khao khôi phục làng nghề như trước kia và không chấp nhận những cách làm dối trá, lừa đảo khách hàng nên đã gặp nhiều khó khăn. Có những kẻ chơi xấu, hãm hại và bày đặt mưu kế để phá hoại công việc của anh, thêm vào đó là chuyện tình yêu trắc trở, tuy nhiên Đức đã không bỏ cuộc.

Tôi nghĩ ở nông thôn hiện nay vẫn còn nhiều thanh niên như Đức, họ có tấm lòng nhiệt huyết với di sản của cha ông mình, có kiến thức để biết rằng nếu làm ăn gian dối thì sẽ là một cách tự mình giết mình mà thôi.

Phim truyền hình về nông thôn gần đây xuất hiện nhiều hơn trên các kênh sóng, thế nhưng tuy nhiều mà chất lượng thì chưa chắc đã tương xứng. Là một diễn viên, anh nghĩ gì?

"Làm một bộ phim về đề tài nông thôn hiện nay rất vất vả, vì vậy tôi rất mong khán giả sẽ ủng hộ nhiều hơn cho dòng phim này, đó là sự khích lệ cho các ê-kíp sản xuất để tiếp tục làm những bộ phim tiếp theo”.

Diễn viên Võ Thành Tâm


- Thực ra diễn viên thì ai cũng như ai, muốn phim mình tham gia có nhiều người xem, được nhiều người biết đến, bởi điều buồn nhất là một bộ phim cả đoàn đóng vất vả trong suốt mấy tháng trời, bao nhiêu công lao mà tới khi phát sóng lại rơi vào im lặng. Tuy nhiên, diễn viên chỉ là một thành phần của đoàn sản xuất, một bộ phim hay phải được tạo nên từ rất nhiều yếu tố, thêm vào đó, khi phát sóng phải chọn được giờ có nhiều người xem thì mới tạo được hiệu ứng tốt.

Trong quá trình làm phim, anh có kỷ niệm nào vui muốn chia sẻ cùng khán giả?


- Nói chung đây là một bộ phim có nội dung về làng nghề truyền thống, cũng có nhiều phim làm về đề tài này rồi, nhưng nghề sơn mài thì có lẽ đây là bộ phim đầu tiên nên có nhiều thử thách đối với tất cả các diễn viên. Mọi người phải tìm hiểu về nghề, cách cầm dao, chà, rửa sản phẩm… ngay cả trang phục của người làm nghề cũng phải làm sao cho ra dáng, làm sao để thuyết phục người xem đó không phải là diễn viên mà là một nghệ nhân thực thụ.

Các diễn viên trẻ như tôi, Phùng Ngọc Huy, Oanh Kiều… đều phải nỗ lực hết sức. Nhớ nhất là những ngày quay, quần áo ai cũng bẩn, lấm lem vì nước sơn mài, trông ai cũng như là công nhân của phân xưởng nhuộm vậy.

Xin cảm ơn anh!