Trợ giúp cho nông dân
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: "Theo Nghị định 42, ngân sách nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước. Đồng thời, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 50% chi phí khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30-70%".
Việc hỗ trợ nông dân sẽ giúp họ an tâm đầu tư, bảo vệ đất lúa. |
Theo ông Ngọc, đây là mức hỗ trợ đã được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở cân đối thu- chi ngân sách của Nhà nước nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Theo tính toán của Bộ NNPTNT, ngoài hỗ trợ từ các chính sách khác liên quan như thủy lợi, giống, việc hỗ trợ người trồng lúa theo Nghị định 42 sẽ góp phần đắc lực giúp nông dân bám ruộng, tích cực sản xuất, hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Ông Trần Xuân Định- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho rằng: "Đây chỉ là mức hỗ trợ mang tính "động viên, khuyến khích", bởi việc sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro, dịch bệnh, lợi nhuận thấp, lại đang trong bối cảnh khí hậu biến đổi ngày càng sâu sắc". Theo ước tính, mỗi năm Thái Bình sẽ được hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng để duy trì sản xuất 76.000-82.000ha lúa mỗi năm.
Với việc Chính phủ ban hành nghị định này, ông Ngọc cho rằng: "Việc bảo vệ và giữ được 3,8 triệu ha đất lúa còn có nhiều khó khăn. Do đó, phải thực hiện nghiêm các chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe với những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai và hành vi không thực hiện đúng theo quy hoạch đất lúa đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Cũng theo ông Ngọc, các địa phương cần công khai, minh bạch trong quản lý khai thác và sử dụng đất đai. "Ngoài ra, chúng ta cần phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người nông dân, quyền làm chủ của người được giao sở hữu đất, có như vậy họ mới gắn bó và đầu tư hiệu quả cho mảnh đất của mình" - ông Ngọc cho biết.
Hàng rào "thép" bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2000-2010, diện tích đất trồng lúa cả nước đã giảm gần 370.000ha, trong đó, giảm mạnh nhất trong 5 năm 2000-2005 là 300.000ha. Xu hướng giảm diện tích trồng lúa diễn ra ở hầu hết các vùng trong phạm vi cả nước do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng cơ sở.
Thực tế ở nhiều địa phương, việc đất lúa vẫn buông lỏng quản lý, tình trạng sử dụng đất trồng lúa thiếu chặt chẽ, thiếu quy hoạch, chạy theo dự án còn phổ biến. Thậm chí, nhiều địa phương dù đã có quy hoạch sử dụng đất nhưng không thực hiện mà liên tục xin thay đổi để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Trong khi nông dân thiếu đất sản xuất thì việc giao đất, cho thuê đất manh mún, phân tán không tuân thủ quy hoạch dẫn tới thực trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đô thị mới.
Ông Ngọc nhận định: "Công bằng mà nói, mức hỗ trợ theo Nghị định 42 chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân nhưng việc hỗ trợ trực tiếp đến tận tay người nông dân sẽ là "cú hích" quan trọng để có thể đảm bảo mục tiêu giữ và sử dụng hiệu quả 3,8 triệu ha đất lúa tránh tình trạng sử dụng đất lúa, thiếu khoa học; thậm chí nếu thực hiện tốt nghị định này, diện tích đất lúa có thể duy trì trên ngưỡng 3,8 triệu ha".
Hữu Thông