Dân Việt

Rửa tiền: Nhận mặt hàng chục dấu hiệu đáng ngờ

23/05/2012 06:39 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua, 22.5, khi Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) được đưa ra Quốc hội, các vị đại biểu QH lần đầu nhận mặt mấy chục "dấu hiệu đáng ngờ" được quy định.

Lĩnh vực ngân hàng có 12 "dấu hiệu đáng ngờ". Các con số lần lượt sau đó là: 8 trong lĩnh vực bảo hiểm, 8 trong lĩnh vực chứng khoán, 8 trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, casino, cụ thể như: Giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập; Thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; Thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; Có dấu hiệu liên tục cố tình thua tại casino; Mua lại vé số trúng thưởng có giá trị lớn…

img
Nhiều ĐBQH cho rằng, với một nền kinh tế sử dụng tiền mặt như Việt Nam, rất khó để chống tội phạm rửa tiền.

Tất cả đều được coi là "dấu hiệu đáng ngờ", phải giám sát, báo cáo. Quy định này là nhiều và sẽ cơ bản phòng chống tình trạng rửa tiền nếu các giao dịch đều được thực hiện qua ngân hàng. Nhưng đây lại là điều khó nhất cho nền kinh tế Việt Nam như lời ĐBQH Đinh Xuân Thảo: "Nếu nền kinh tế VN vẫn sử dụng tiền mặt như hiện nay thì luật này chỉ được xây dựng cho hợp với thông lệ quốc tế chứ không thể chống tội phạm rửa tiền được".

Nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho biết, ông tán thành với việc bổ sung đối tượng là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của cá nhân có ảnh hưởng chính trị, bao gồm cá nhân được giao giữ những chức vụ cao cấp trong các cơ quan, tổ chức hữu quan của nước ngoài - trong phần nhận biết và cập nhật thông tin về khách hàng của dự án Luật.

Tham nhũng có liên quan đến rửa tiền và điều này không phải không phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc định ra một số lượng làm căn cứ giám sát lại không đơn giản. Theo quy định tại Nghị định 74, ngân hàng sẽ phải giám sát và báo cáo những giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm).

ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định mức giá trị của giao dịch. Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: Định nghĩa giao dịch có giá trị lớn là tiền mặt, vàng, ngoại tệ nếu chuyển khoản có giá trị lớn thì vàng hay tiền mặt là chưa cụ thể.

Ủy ban Thường vụ QH giải trình rằng: Quy định về giao dịch có giá trị lớn không chỉ đơn thuần là mức giao dịch mà thực chất là quy định về phạm vi áp dụng luật. Chính vì vậy, thẩm quyền quy định giá trị giao dịch được đề xuất giao Thủ tướng Chính phủ...

* Trước đó, sáng 22.5, QH thảo luận về Dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của đại biểu từ kỳ họp trước. Đa số các đại biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên, các vấn đề nhiều ĐB băn khoăn là tính khả thi của dự luật với quy định các hành vi bị cấm, phương thức xử lý nguồn thuốc lá lậu, việc thành lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá Lê Nam đặt câu hỏi: "Ở cơ quan mà thủ trưởng cơ quan đó hút thuốc thì ai dám phạt?". ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, cần có chế tài mạnh mẽ, khả thi đối với những người hút thuốc lá nơi công cộng bằng việc giao cho người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ ở nơi công cộng xử lý hành vi đó vì không thể có đủ lực lượng để giám sát và xử lý.