Không đủ can đảm từ bỏ, cuối cùng người phụ nữ ấy đành phải chịu kiếp chồng chung.
Cứ ngỡ “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”Nhà nghèo, ba mẹ vất vả quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn nên năm mười tám tuổi Duyên từ Sóc Trăng lên Sài Gòn xin vào làm công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận. Cũng giống như tất cả những công nhân làm việc ở đây, từ bảy giờ sáng sau tiếng chuông reng, Duyên đã phải ngồi vào vị trí làm việc. Trưa chỉ được một tiếng đồng hồ vừa ăn cơm vừa nghỉ mà không được phép ra khỏi cổng công ty. Đa số các buổi chiều tối đều phải tăng ca. Vào mùa hàng, có khi không được nghỉ luôn ngày Chủ nhật. Hơn nữa, chỗ làm của Duyên phần đông là lao động nữ nên gần ba mươi tuổi, Duyên vẫn không có một mối tình vắt vai.
Một buổi chiều, Duyên vừa đạp xe tới đầu hẻm quẹo vào xóm trọ thì trời cũng chạng vạng tối. Bất thình lình, Duyên lao thẳng xe vào một thanh niên đang từ trong hẻm đi bộ ra. Duyên choàng tỉnh, thì ra do ngủ gục cô ấy đã gây ra chuyện. Anh thanh niên - mà sau này Duyên mới biết tên là Hiệp - lồm cồm đứng lên đỡ cô dậy, gò má cô sưng húp một bên, may mà không có thương tích gì nghiêm trọng. Hiệp chở Duyên tới trạm y tế mới phát hiện hai cánh tay anh cũng bị trầy xước, máu rướm ra da.
Hỏi ra mới biết Duyên và anh ấy là hàng xóm của nhau. Anh ở căn phòng cuối dãy nhà trọ và mới vừa dọn về được hơn một tuần. Anh người miền Trung vô Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bỏ mối cà phê. Cùng cảnh nghèo tha phương cầu thực, hai người dễ dàng thông cảm và chia sẻ với nhau. Sau đó, mỗi buổi tối rảnh rỗi, Hiệp hay qua chỗ phòng trọ của Duyên chơi. Không bao lâu, tình cảm nảy sinh, Hiệp đề nghị Duyên dọn qua phòng Hiệp ở, cùng góp gạo nấu cơm cho đỡ chi phí. Thấy Hiệp cũng là người chăm chỉ làm ăn nên Duyên cũng tin tưởng và bằng lòng.
Hình minh họa
Hiệp làm việc tự do, nên thường về sớm dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm... Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, anh bắt đầu thường xuyên đi sớm về trễ. Duyên vừa đi làm vừa phải giặt giũ, chợ búa, cơm nước. Vậy mà hôm nào Hiệp về chưa kịp có cơm anh liền tỏ thái độ không hài lòng, lắm lúc còn khó chịu, to tiếng với Duyên. Duyên cảm thấy mình thật sự mệt mỏi đuối sức nhưng vẫn cố gắng nhịn nhục vì dù sao Duyên cũng đã trao đời con gái cho anh rồi.
Lần đầu phát hiện mình có thai, Duyên vừa mừng, vừa lo và tìm cách báo tin cho Hiệp. Trái với suy nghĩ của cô. Anh càm ràm lung tung nói chưa phải lúc để có con, anh đưa Duyên đi nạo bỏ. Mấy lần sau dính bầu, Duyên sợ bị Hiệp la nên một mình âm thầm đi bệnh viện. Nhiều lúc nghi ngờ anh có người phụ nữ bên ngoài, Duyên cố tình theo dõi nhưng không phát hiện được gì. Anh không chơi bời đàn đúm nhậu nhẹt, trái lại rất chí thú làm ăn.
Mấy năm sau, từ một người đi bỏ mối cà phê thuê cho chủ, Hiệp đã tự bỏ vốn mua cà phê bỏ mối cho khách hàng riêng của mình. Thấy cuộc sống kinh tế có phần dễ chịu, Duyên đề nghị sinh con, anh không phản đối. Từ lúc con trai ra đời, công việc làm ăn của Hiệp phất lên thấy rõ. Họ đã mua được căn nhà cấp bốn dùng làm nơi chứa cà phê và giao dịch mua bán. Tuy không tổ chức cưới xin nhưng mặc nhiên hai người đã là vợ chồng.
Nào ngờ lận đận một chuyến đò duyênĐã không tổ chức cưới xin thì thôi, Duyên nhiều lần đề nghị làm giấy kết hôn Hiệp cũng đều tìm cách lãng tránh. Anh bảo, vợ chồng ăn thua cái tình cái nghĩa chứ miếng giấy lộn kia có nhằm gì. Đã muốn bỏ nhau thì một trăm cái giấy kết hôn người ta cũng bỏ, công việc lu bu quá lúc nào rảnh anh sẽ làm. Nghe cũng xuôi tai, Duyên thôi không nhắc nữa. Một dịp nói chuyện với mẹ, nghe Duyên nhắc tới việc này, bà rất ngạc nhiên, sau đó phân tích thiệt hơn về những rắc rối sau này nếu có sự cố gì. Bà nói: “Hai đứa lấy nhau mà không có đám cưới, con đã thiệt thòi. Đến cả cái giấy kết hôn cũng không có thì lỡ như sau này nó thay lòng đổi dạ, làm giấy kết hôn với cô gái khác thì về mặt pháp lý con thành tình ngay lý gian. Không kể còn bao nhiêu thứ rắc rối nếu sau này con cần chứng minh tụi con là vợ chồng hợp pháp...”. Càng nghe mẹ nói, Duyên càng thấy bất an. Cô lại nhắc Hiệp.
Khác với mọi lần, lần này Hiệp lật ngửa bài. Anh thú nhận anh đã có vợ ngoài quê, tuy đã ly thân nhưng do anh bỏ vào Nam từ đó nên chưa làm thủ tục ly dị. Duyên thấy mình giống như đang rơi xuống cái động không đáy, chới với quay cuồng. Hiệp thay đổi thế cờ, anh hứa sẽ về quê làm thủ tục ly dị. Hôm Duyên tiễn Hiệp ra ga, anh cầm tay Duyên khẩn khoản: “Anh sẽ mang giấy ly hôn vào cho em. Em cho anh rước con gái vào nhé!”. Duyên ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì thì tàu đã lăn bánh. Chị nhìn theo con tàu đang rùng mình, nước mắt chảy thành dòng tức tưởi.
Một tuần sau đó, Hiệp trở vào mang theo con gái. Cú sốc này làm Duyên quên hẳn luôn chuyện Hiệp về quê là để ly dị vợ. Con bé khoảng mười tuổi, ngoan ngoãn, chăm chỉ, nó biết giúp Duyên trông em bé và rất thương em. Điều đó làm cho Duyên cảm thấy nguôi ngoai. Có điều nó sống rất khép kín, ít khi nói chuyện với ai - kể cả Duyên. Từ lúc đưa con gái vào, Hiệp càng ra sức làm việc. Anh tằn tiện đến nỗi nhiều khi Duyên cũng thấy khó chịu. Nhưng khi nghe Hiệp nói: “Anh cố bươn chải để lo cho ba mẹ con đầy đủ, để em không phải bận tâm gì” thì Duyên rất cảm động và càng thương anh hơn.
Nhân dịp cuối dãy phố có căn nhà kêu bán. Hiệp biểu Duyên gom tiền đưa cho anh mua để mở một cửa hàng bán các mặt hàng trà, cà phê… Chồng người ta nả tiền đi bài bạc, cá độ. Chồng mình mua nhà làm ăn có lý do gì lại không đưa. Nghĩ vậy, Duyên vơ vét sạch sẽ tiền bạc đưa cho anh. Cô chỉ phân vân không biết làm sao trông coi cho xiết, hỏi thì anh biểu yên tâm để anh lo. Duyên không mảy may nghi ngờ, trái lại còn rất tin tưởng vì trong công việc làm ăn từ trước đến nay, Hiệp tỏ ra rất năng động tháo vác, làm đâu thắng đó.
Sau một thời gian tất bật chuẩn bị, cửa hàng mới cũng sắp được khai trương. Đùng một cái Hiệp đề nghị: “Để mừng ngày có cửa hàng mới, anh muốn nghỉ một hai ngày thư giãn sẵn về Sóc Trăng thăm má”. Chuyện này đối với Duyên rất lạ vì thường khi anh luôn viện cớ bận làm ăn không bao giờ cùng mẹ con Duyên về ngoại thậm chí cả ba ngày tết. Được con cháu về thăm, má Duyên mừng ra mặt. Bà lăng xăng mượn người dỡ chà bắt nào tôm, nào cá nấu đủ thứ món ngon.
Tối đó, sau khi rót trà mời má Duyên, anh nói giọng rành rọt trôi chảy và có phần rất tỉnh: “Thưa má! Trước hết con thành thật xin lỗi má. Con biết má rất thương con nên con về đây để nhờ má khuyên giúp giùm vợ con nếu câu chuyện con nói ra đây làm cho cô ấy nhất thời không chấp nhận được”. Trong khi má Duyên sốt ruột muốn nhanh chóng biết sự thật thì cô ngồi ngẩn người ra không thể đoán được một điều gì dù hết sức mơ hồ. Hiệp hít một hơi thật sâu và nói thật nhanh: “Thật ra, ngoài quê con còn một đứa con trai nữa, năm nay nó đã mười tám tuổi”. Hiệp nói tới đâu, Duyên nghe hai lỗ tai mình lùng bùng tới đó.
Bấy lâu nay, hết lần này đến lần khác, Hiệp đặt Duyên vào chuyện đã rồi. Nhiều lần cô buộc phải chấp nhận vì không còn con đường nào khác. Hiệp cứ đi từng bước một, nhằm cho Duyên từng chút, từng chút mất sức kháng cự. Duyên ngồi bất động như một pho tượng, sau đó, cô bắt đầu khóc. Đầu tiên là nước mắt chảy ra, sau đó là la hét và cuối cùng là lả đi.
Nhưng đó vẫn chưa phải là nỗi đau lớn nhất của Duyên. Một lần nữa, Hiệp đề nghị đem thằng con lớn ngoài quê vào với mục đích trông coi cửa hàng mới mở. Con em gái từ ngày có anh trai vô, hoạt bát vui vẻ hẳn lên. Mới đầu thỉnh thoảng nó chạy qua chạy lại chơi với anh nó, sau Hiệp sắp xếp cho nó ở hẳn bên ấy luôn.
Hai năm sau, hai anh em xin được rước mẹ chúng ngoài quê vào ở hẳn cho mẹ con được gần nhau. Đến bây giờ cái đầu óc mê muội, đần độn của Duyên mới hiểu ra. Đỉnh điểm của sự thật được phơi bày trọn vẹn: Hiệp với bà vợ kia chưa bao giờ ly thân, ly dị gì hết. Trước nay, thỉnh thoảng khi vắng nhà vài ba hôm, Hiệp bảo đi tìm mối lái làm ăn, chính là những lúc Hiệp trốn về thăm vợ con. Bây giờ, tất cả tài sản có được hoàn toàn là tài sản chung và do Hiệp đứng tên. Vì không muốn mất trắng, Duyên cứ phải lay lắt sống với Hiệp. Giờ thì họ đã công khai sống chung với nhau như một gia đình. Nhìn vào, mẹ con Duyên giống như là kẻ thứ ba.