Dân Việt

Làm rõ trách nhiệm trong sử dụng tiền thuế

25/05/2012 06:14 GMT+7
(Dân Việt) - Việc sử dụng và trách nhiệm trong việc sử dụng tiền thuế của dân là vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra một cách thẳng thắn trong phiên thảo luận tổ về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ ngày 24.5.

“Tư duy nhiệm kỳ” đẻ ra bội chi

Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bắt đầu bài phát biểu bằng con số hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế hiện đang bị nợ và tình trạng khai man, trốn nợ thuế diễn ra phổ biến. Đây là những đánh giá không khác gì năm 2009. Trong khi đó, ngân sách chi vượt dự toán quá lớn.

“Tiền đó lấy ở đâu?”, ĐB Ngân đặt câu hỏi và cho rằng: “Tư duy “nhiệm kỳ” đã được nói đến nhiều lần, nhưng 2 năm qua tình trạng chi vượt dự toán vẫn liên tục diễn ra”. Việc đầu tư dàn trải khiến xuất hiện phổ biến tình trạng “vô số đại công trình, đại thi công nhưng đến giờ nhiều cái chưa có tiền để quyết toán”.

img
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội): “Vay được tiền của ngân hàng lãi suất 24% thì cũng như uống liều thuốc độc...”.

Ông Ngân đề nghị Chính phủ cần có báo cáo quyết toán sớm, chứ không thể để tình trạng “tháng 5.2012 mới cho ý kiến về báo cáo quyết toán năm 2010”, nảy sinh nhiều điều đã không phù hợp.

Chẳng hạn như báo cáo cho rằng “tạo điều kiện thuận lợi cho các năm tiếp theo” nhưng những năm tiếp theo đã cho thấy những “điều kiện thuận lợi” này không thu hái được kết quả gì khi tốc độ phát triển giảm liên tục. Năm 2010 là 6,78%, 2011 là 5,89% và đến quý I/2012 chỉ còn 4%. Ông Ngân đề nghị báo cáo cần “tránh tô hồng để có biện pháp cụ thể”.

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) còn đưa ra một thông tin “giật mình”: “Cử tri rất bức xúc việc phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước không hiệu quả. Riêng việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm không quy định hình thức cho ngân sách Nhà nước vay, nhưng năm qua, 38% nguồn quỹ đã phải cho ngân sách Nhà nước vay.

Ngoài nguồn thuế của dân, giờ đến nguồn quỹ phúc lợi cũng bị sử dụng quá dễ dãi. Việc sử dụng ngân sách vừa qua, tại nhiều diễn đàn, trong đó có Quốc hội, đã đặt vấn đề hiệu quả, nhưng lãng phí vẫn là vấn đề nhức nhối. Chúng ta có cơ quan giám sát, nhưng lãng phí trong đầu tư công không những không dừng lại mà ngày càng cao hơn”.

Bà Dung yêu cầu: “Ngoài việc báo cáo Quốc hội về nguồn vốn phân bổ cho các tập đoàn kinh tế, Chính phủ cần phải giải trình việc sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội. Bởi vấn đề lớn là ngoài việc nghiêm túc, công khai minh bạch, cần giám sát chặt chẽ hơn và đặt ra trách nhiệm của Chính phủ trong việc sử dụng tiền thuế của dân”. Ông Ngân cũng đề nghị: “Nếu Chính phủ phân bổ vốn như vừa rồi thì cần phải giải trình việc sử dụng nguồn vốn liên quan đến nguồn tiền cho các tập đoàn, tổng công ty trước khi Quốc hội quyết định”.

Vay được tiền cũng như “uống liều thuốc độc”

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: Dấu hiệu giảm phát, CPI dừng lại là do sức mua giảm quá mạnh. Giải pháp thắt chặt làm nền kinh tế thiếu máu. Chúng ta chống được lạm phát nhưng làm cho nền kinh tế khốn đốn.

Doanh nghiệp (DN) đổ vỡ cũng từ chỗ này. Theo ông, “đặc điểm của DN Việt Nam là kinh doanh trên nợ. Giờ lại không cho vay, cộng thêm tình trạng hàng tồn do sức mua suy giảm cho nên doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, mất tích, bỏ trốn hàng loạt”.

ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) phân tích: Nghị quyết 13 của Chính phủ vừa qua nhằm hỗ trợ cho DN, trong đó có giải pháp giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 là cần thiết. Nhưng giải pháp này chưa tác động sâu và chưa tháo gỡ được khó khăn vì chỉ áp dụng cho các DN làm ăn có lãi, mà số lượng này rất thấp, chỉ chiếm 1/3. Còn lại 2/3 DN đang đứng trước phá sản thì tháo gỡ thế nào?”.

“Trên nguyên tắc, DNNN phải nuôi Nhà nước chứ không phải Nhà nước nuôi DN. Nhưng ở đây thì ngược lại, ngoài tiền ngân sách Nhà nước đổ vào, còn có nguồn tài nguyên quốc gia đổ vào các DNNN rất lớn. Quốc hội phải phê chuẩn việc phân bổ vốn, tài sản nhà nước chứ không thể để Chính phủ tự quyết”.

ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) còn xót xa hơn khi nhận xét, báo cáo của Chính phủ vẫn nhiều “màu hồng” quá. “Tôi là người đứng đầu một DN, luôn rất cần nguồn vốn để sản xuất.

Thời gian qua, khi các DN vừa và nhỏ phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 24%, phải “đi đêm” mới vay được tiền, thì chúng tôi hiểu mình đã chết đến nơi rồi. Vay được tiền mà thế này cũng chỉ như uống một liều thuốc độc thôi, càng chết nhanh hơn”.

Gay gắt chỉ trích các ngân hàng “sống khỏe” và vô trách nhiệm trên sự ốm yếu của hàng vạn DN, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thẳng thắn:

“Tại một kỳ họp Quốc hội khóa XII, tôi đã cảnh báo một nền kinh tế như vậy mà cho ra đời hàng trăm tổ chức tín dụng là một điều bất bình thường. Vậy mà tới hôm nay chúng ta mới đặt vấn đề tái cơ cấu ngân hàng. Trong khi các DN đứng bên bờ vực thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn có lãi cao, hưởng lương ngất ngưởng, sống khỏe bằng lãi suất đè nặng trên vai DN”.

ĐB Quyền đề nghị xem xét có lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không.