Phóng viên NTNN đã trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần (ảnh) về bộ phim này.
Thưa ông, phần 2 của phim “Ma làng” đã bấm máy với đạo diễn là Hoàng Lâm- người đã cộng tác với ông trong phần 1 của phim cách đây 5 năm. Tại sao ông không tiếp tục làm đạo diễn nữa?
- Lý do vì sao tôi không làm đạo diễn cho phim “Ma làng 2”- tạm gọi thế là một câu chuyện thuộc về lĩnh vực phía sau màn ảnh, có lẽ khán giả cũng không cần quan tâm đến. Tôi tuy không tham gia đoàn phim, nhưng xin khẳng định, kịch bản “Ma làng 2” là một dự án tâm huyết của tôi suốt nhiều năm nay, tôi đã dành rất nhiều thời gian công sức cho nó. Tôi hy vọng, khi phim phát sóng, mọi người vẫn đón nhận nó như phần đầu.
Cảnh trong phim “Ma làng”. |
Được biết, từ 120 trang cuốn tiểu thuyết “Ma làng” của Trịnh Thanh Phong, ông đã chuyển thành 700 trang kịch bản phần 1, vậy thì phần 2 này, chất liệu sẽ từ đâu?
- Tôi đã xin phép nhà văn Trịnh Thanh Phong tiếp tục được dùng những cái tên nhân vật trong tiểu thuyết của ông, còn câu chuyện mới hoàn toàn độc lập với phần 1, phía VTV cũng gợi ý tôi nên tìm một tên khác cho phim, ví dụ “Làng Bâm Dương 10 năm sau” hay “Ma làng lên phố”, đến giờ tôi cũng chưa chọn được cái tên ưng ý, nên tạm gọi là “Ma làng 2”.
Tôi viết kịch bản cho phần 2 này đơn giản lắm, chỉ là một động tác đơn giản, đảo ngược làng Bâm Dương lên, theo kiểu trên xuống dưới, dưới lên trên. Kết thúc phần 1, những kẻ gian ác như Tòng, Ất đã phải trả giá, người thì chết, người thì bỏ làng đi, những người như Tâm, Nghiệp, Mưa, Dỏ, Ló… có một kết cục tốt hơn. Vậy thì phần 2 sẽ bắt đầu bằng một loạt những thay đổi, Ló từ người nghèo không có đất sẽ thành người có tiền, vì đất của cô ấy đã quy hoạch thành sân golf, Tâm từ chỗ là một người chống lại lũ “ma làng”, sẽ trở thành một “con ma” lớn hơn ở vị trí Phó Chủ tịch huyện…
Mỗi bộ phim truyền hình của ông bao giờ cũng có một thông điệp, chẳng hạn như “Gió làng Kình”- ông bàn về vấn đề dân chủ ở cơ sở, còn “Ma làng 2” sẽ là thông điệp gì?
- Thông điệp của tôi khá đơn giản: Đất đai là tài nguyên quý nhất của đất nước, chỉ cần giữ được những mùa vàng no ấm ở đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ giữ được an ninh lương thực và sự ổn định xã hội. Còn một khi đã đổ bê tông lên mặt đất mềm xốp và màu mỡ phù sa, đất sẽ không còn là đất nữa và kéo theo hàng loạt những nguy cơ bất ổn.
Nước ta là nước nông nghiệp, không thể nóng vội chạy theo công nghiệp hóa, và cũng không thể công nghiệp hóa theo kiểu lấy đất lúa để xây dựng nhà máy, làm sân golf... rồi cho họ một cục tiền. Nếu muốn công nghiệp hóa thì phải giúp cho người dân có được những doanh nghiệp nông nghiệp, những công ty cổ phần ở nông thôn mà trong đó người nông dân góp vốn bằng đất, được làm quen với lối sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu và kinh doanh sản phẩm. Tôi nhấn mạnh là đừng bao giờ cho nông dân một cục tiền, vì họ chưa bao giờ có văn hóa tiêu tiền.
Xin ông giải thích cụ thể hơn?
- Hãy nhìn rộng ra khắp nơi, những vùng mà đất nông nghiệp bị lấy để sử dụng vào một mục đích khác, hậu quả thế nào. Ngay ở Hà Nội, những làng quê như Mễ Trì, Phú Thượng… từ khi người dân có một cục tiền đền bù, làng quê bị phá nát, tệ nạn xã hội tràn vào, quan hệ gia đình, làng xóm đổ vỡ hết.
Trong “Ma làng 2” cũng có trường hợp ấy, một ông nông dân mang cục tiền đền bù đi mua cho con một cái xe máy, bị chủ cửa hàng kích đểu: “Trông rách thế mà cũng đòi đi mua xe máy”, ông tức khí mua một lúc 3 cái xe máy ở hàng đối diện để rửa nhục. Người nông dân chúng ta chưa có văn hóa tiêu tiền, hàng ngày họ chỉ làm ra 20.000 đồng, 50.000 đồng, vậy nên bỗng nhiên được cầm tiền tỷ trong tay, tránh sao khỏi sự ngông dại. Mà đồng tiền bao giờ cũng dẫn người ta vào cõi mê nẻo lú nhiều hơn là những con đường sáng.
Điều ấy sẽ được phản ánh hết trong “Ma làng 2” phải không, thưa ông?
- Đúng vậy, cô Ló đầu tiên thuộc về nhóm những nông dân không chịu giao đất cho nhà đầu tư, sau vì đứa con gái thúc ép quá nên đồng ý đổi đất lấy tiền.
Nhưng vì những đồng tiền ấy, cô Ló mất đứa con gái, vì nó mở hiệu cắt tóc, karaoke ôm, rồi bị bắt. Nhân vật Tâm - Phó Chủ tịch huyện- thoạt đầu cũng là một người tốt, nhưng vì dính quá sâu với các nhà đầu tư nên không thể rút chân ra nổi. Vì đồng tiền, Tâm ra quyết định cưỡng chế cả trang trại của em mình là Nghiệp và Mưa. Nhưng cuối cùng, Tâm cũng phải trả giá bằng đứa con gái mà anh yêu quý nhất.
Nhiều người hỏi tôi tại sao ở phần 1, Tòng gian ác thế mà cuối cùng lại chỉ bị rắn cắn chết, sao không cho hắn ra tòa. Tôi bảo một cách trừng phạt khủng khiếp nhất là bằng con đường âm đức, giống như một sự báo thù.
Còn Tâm, những nỗi đau giáng vào anh ta sẽ không thể day dứt và đau đớn bằng nỗi đau những người thân yêu nhất của anh ta phải gánh chịu thay cho mình. Đời có nhân có quả mà.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Anh (thực hiện)