Cẩn thận, kỹ lưỡng...Chọi trâu là “đặc sản” văn hóa, mang đậm ý nghĩa tâm linh. Bởi thế nên trâu chọi mới được gọi là “ông trâu”. Nghề chơi quả lắm công phu, càng sát ngày vào hội, việc chăm sóc các “ông trâu” càng được chủ trâu và người nuôi trâu quan tâm kỹ lưỡng. Mấy ngày qua, Hà Nội rất lạnh nên người nuôi trâu phải hết sức cẩn thận. Mục sở thị việc chăm trâu trong những ngày lạnh, chúng tôi thấy mỗi người nuôi trâu đều có bí quyết riêng với các “ông trâu”.
Ông Bùi Văn Tân và trâu chọi tại SVĐ Phúc Thọ.
Ở xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ), ông Nguyễn Văn Hùng (chủ trâu số 30) dọn hẳn một chuồng lợn thật sạch rồi che chắn vô cùng kỹ lưỡng. “Ông trâu” số 30 có tên là Mít Mật được thay đổi cách huấn luyện để vừa chịu đựng được cái lạnh, vừa bảo đảm không sao nhãng các miếng đánh độc đáo. Ông Hùng cho biết: “Khi mới nuôi “ông trâu” này cách đây 3 tháng, tôi phải thử đủ các loại thức ăn. Cuối cùng, “ông trâu” Mít Mật chỉ thích ăn ngọn mía. Không ăn cám nên không tăng được nhiều cân, nhưng bù lại, “ông trâu” này lại có được dáng săn chắc, những miếng đánh cũng được hoàn thiện”.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tân ở Hòa Bình thì ngay mấy ngày đầu Tết Nguyên đán đã di chuyển trâu đến sân vận động trung tâm thị trấn Phúc Thọ. Đây là lần đầu tiên mang trâu đi thi đấu, nhưng ông Tân tỏ ra rất tự tin và am hiểu.
“Được đọc báo NTNN, tôi biết đến Hội chọi trâu Báo NTNN- Phúc Thọ 2014 và đăng ký tham dự. Vốn có kinh nghiệm nuôi trâu lâu năm, tôi hy vọng, trong lần đầu tham dự, “ông trâu” của tôi sẽ đạt thành tích cao”.
Quả thực, “ông trâu” của ông Tân có vóc dáng khá chuẩn. Mục đích của ông Tân khi cùng con trai di chuyển trâu đến địa điểm thi đấu từ sớm là để trâu có thời gian làm quen với thủy thổ, đồng thời cảm nhận không gian trên sân vận động. “Hy vọng, cách làm này sẽ giúp “ông trâu” của tôi có thêm lợi thế trong các trận đấu quyết liệt sắp tới” - ông Tân bộc bạch.
Các ứng viên vô địchVới ông Hoan (xã Sen Chiểu, Phúc Thọ), vì niềm đam mê và sẵn kinh nghiệm chọi trâu, ông o bế cặp trâu chọi của mình rất cẩn thận. Hai “ông trâu” của ông Hoan có dáng cực chuẩn, đặc biệt “ông trâu” có đặc điểm mũi sứt được coi là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu vô địch tại giải lần này.
Để trâu sẵn sàng vào hội, ông Hoan đã thuê hẳn 3 người nuôi, trông coi 2 “ông trâu” của mình. Những ngày giá lạnh, chuồng của các “ông trâu” được che chắn rất kỹ, bảo đảm trâu không bất ngờ bị bệnh do trời lạnh và đạt được độ sung sức cao nhất khi thời gian đến hội đang cận kề. Nói về mức độ mê trâu chọi, có lẽ ông Hoan cũng nằm trong số những người đứng đầu của Phúc Thọ. Và tuy là người ở địa phương nơi diễn ra giải đấu nhưng ông Hoan cũng là một trong những người đưa trâu lên sân vận động sớm nhất.
Ông cắt cử luôn 3 người nhà túc trực, làm lều ở ngay cạnh chuồng trâu, đảm bảo trâu 1 ngày ăn đủ 4 bữa sáng, trưa, chiều và đêm. Thức ăn cho trâu cũng được đầu tư khá cẩn thận, ngoài ngô cám, ông Hoan còn bổ sung thêm mía và bắp ngô non, những ngày trời rét còn cho trâu uống thêm mật mía. Chính vì cách chăm sóc khá kỹ này, mà 2 ngưu thủ của ông Hoan, có thể hình và thể trạng vượt trội so với một số trâu khác. Và đây cũng là những ứng cử viên cho chức vô địch lần đầu.
Tuy nhiên, độ độc đáo trong việc chăm sóc trâu phải kể đến ông trâu số 19 của ông Nguyễn Văn Lai (Công ty An Bình, Phúc Thọ). Trâu số 19 hiện nay thuộc loại lớn nhất, với trọng lượng khoảng 800kg, có bộ sừng cánh cung lại sở hữu miếng đánh hổ lao. Trong một lần tập luyện cách đây 3 tháng, trâu số 19 đã có miếng đánh lấy mạng trâu đối phương.
Ông trâu ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch này được huấn luyện bằng cách chống chọi với điều kiện khắc nghiệt. Khi trời lạnh căm căm, ông Lai vẫn mang trâu ra tập luyện. “Mục tiêu của tôi là để trâu làm quen với những khó khăn, sẵn sàng cho mọi thử thách. Thích ứng được với điều này, khi thực chiến, trâu sẽ đạt được lợi thế hơn” - ông Lai khẳng định.