Bỏ qua nhiều nguyên tắc giáo dục
Đại biểu (ĐB) tỉnh Ninh Thuận Đặng Thị Mỹ Hương phát biểu: Nhiều cơ sở giáo dục chỉ quan tâm đến chỉ tiêu đầu vào, còn đầu ra - việc sinh viên đi về đâu, có việc làm hay không - thì không quan tâm. Các cơ sở GDĐH chi để quảng cáo rất mạnh, sau đó đổ chi phí này lên đầu sinh viên. Bà Hương cho rằng luật lần này không có ràng buộc về hiệu quả đào tạo thì không biết đến bao giờ mới khắc phục được.
Giờ học tin học của sinh viên Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội). |
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận định: 100% ĐH tư thục mở ra vì lợi nhuận. Và vì chạy theo lợi nhuận nên các trường này đã bỏ qua rất nhiều nguyên tắc giáo dục. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh lục đục nội bộ, trong khi dự thảo luật không điều chỉnh. Các ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (TP.HCM), Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) bày tỏ lo âu về chất lượng giáo dục thường xuyên rất thấp, việc tổ chức còn nhiều bất cập, bằng cấp giữa hai loại hình này là như nhau, nhưng thực tế xã hội không chấp nhận điều đó.
Một điểm chung mà nhiều ĐB nói đến là dự thảo luật hoàn toàn chưa đánh giá cái được, cái chưa được của GDĐH hiện nay trong tương quan với sự phát triển kinh tế - xã hội, và vì thế, rất dễ “hợp pháp hóa” những bất cập trong GDĐH hiện nay. Có quá nhiều thực tế xung quanh vấn đề đào tạo ĐH đã không được đánh giá đúng mức trong quá trình soạn thảo dự án luật.
Việc ăn, ở của sinh viên cũng là vấn đề được nhiều ĐB Quốc hội QH quan tâm. ĐB Nguyễn Kim Hồng (Nghệ An) nêu thực trạng “con em nghèo học 12 năm vào ĐH rồi thì không có chỗ ở hoặc phải đi ở nhà trọ rất khổ sở”. Ông đề nghị quy định xây ký túc xá cho sinh viên cần phải là một quy định bắt buộc đối với các trường ĐH, CĐ. Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) thì đề cập tới việc cần sớm “phân luồng”, sớm định hướng để giáo dục làm ra một đội ngũ thầy ra thầy, thợ ra thợ. Ông yêu cầu cần đẩy mạnh xã hội hóa mạnh hơn nữa trong GDĐH, đồng thời tạo ra sự bình đẳng giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Tạo những “quả đấm” giáo dục đại học
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khẳng định “luật này hết sức cần thiết” bởi theo ông, việc chưa có tổ chức quy mô quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực cao cho đất nước chính là do thiếu một bộ luật. “Nhiều cử tri, trong đó có nhiều nhà giáo dục, nhiều trí thức muốn lùi lại (việc thông qua dự thảo luật) vì có nhiều vấn đề chưa đầy đủ, chưa như mong muốn. Nhưng tôi cho rằng không nên lùi nữa” - ông Quốc nói. Ông cũng đề nghị luật cần tạo ra sự cân bằng, hạn chế xin - cho...
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy
Giải thích về cơ chế “xin-cho” có thể tạo ra từ sự phân tầng và xếp hạng theo Điều 8 dự án luật, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho đây là quan điểm của Chính phủ: “Hiện chúng ta đã triển khai phân tầng ở một mức độ nhất định bằng việc thành lập 2 ĐH Quốc gia, 3 ĐH Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng. Thủ tướng cũng đã có quyết định thành lập 18 trường ĐH trọng điểm và đang chỉ đạo thành lập 2 ĐH Việt Bắc, ĐH Công nghệ”.
Về việc xếp hạng các trường ĐH, CĐ, Bộ trưởng cho rằng: “Việc xếp hạng do các hiệp hội, tổ chức kiểm định, các tờ báo, tạp chí uy tín, thậm chí do một số tổ chức tư nhân xếp hạng”. Ở VN, việc xếp hạng là vấn đề mới, nên ông Luận đề xuất: “Dự thảo luật không quy định cụ thể liên quan đến phân tầng, xếp hạng. Không giao Thủ tướng hay Bộ trưởng GDĐT thẩm quyền này mà để văn bản dưới luật quy định”.
Anh Đào