Người xem truyền hình vốn chỉ quen với các phim truyền hình Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc được thuyết minh một giọng đọc, thì nay hẳn sẽ không khỏi bất ngờ với xu hướng thuyết minh, lồng tiếng đang lan rộng. Không chỉ dừng ở phim truyền hình, các thể loại mới cũng dần được Việt hóa thông qua hình thức voicer (thuyết minh) và dubbling (lồng tiếng).
Đối với phim điện ảnh, việc lồng tiếng cho các phim bom tấn đã trở thành một làn sóng mới, thậm chí đã trở thành một “chiêu” hiệu quả để hút khán giả đến rạp. Từ bộ phim hoạt hình “Đi tìm Nemo” (Finding Nemo) - phim Hollywood đầu tiên thử nghiệm phiên bản lồng tiếng, đến nay khán giả đã không còn xa lạ với các phiên bản tiếng Việt của các phim bom tấn như “Chú mèo đi hia” (Puss in Boots), Rio (Rio), “Những chú sóc chuột” (Alvin and the chipmunks 3). ..
Các nhà đài cũng ra sức sử dụng trào lưu thuyết minh, lồng tiếng như một lợi thế thu hút người xem truyền hình. Gần đây, VTV đã ra mắt các phiên bản tiếng Việt của các gameshow đình đám như MasterChef, X-Factor,… Thay vì xem các chương trình này với ngôn ngữ gốc trên kênh quốc tế, người xem được xem các gameshow nguyên bản nhưng với giọng đọc tiếng Việt.
Với các phim truyền hình, hoặc phim tài liệu nước ngoài, thuyết minh lồng tiếng vốn từ lâu đã trở nên hết sức quen thuộc và góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải nội dung đến khán giả xem truyền hình. Đạo diễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Diễn viên lồng tiếng góp 40% vào thành công của bộ phim, vì cảm xúc của giọng nói quyết định đến hiệu quả diễn xuất của nhân vật”.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hậu kỳ, việc phát triển đội ngũ lồng tiếng chuyên nghiệp là đòi hỏi cần thiết. Trước năm 1990, đa phần diễn viên lồng tiếng được chọn từ ngành sân khấu, phát thanh viên - những người vốn đã quen với đài từ. Từ khi các phim nước ngoài xuất hiện với mật độ dày đặc, nhiều lớp học ngắn hạn và các cuộc thi cũng được tiến hành để tìm kiếm những người có tố chất và nhiệt huyết với công việc thầm lặng này. Các cuộc thi thử tài lồng tiếng của HTV, các lớp đào tạo ngắn hạn tại Fafilm Việt Nam,… hay các nhóm đào tạo riêng của các nghệ sĩ lồng tiếng … đều thu hút rất đông người tham gia thử tài. Tuy nhiên, sau khi được sàng lọc cũng chỉ tìm thấy 5 - 20% những người có tố chất tốt, phù hợp với nghề.
Trên thực tế, hiện tại vẫn còn rất nhiều giọng đọc thuyết minh lồng tiếng chưa thực sự hấp dẫn, tạo ra phản ứng ngược đến người xem. Nhiều khán giả miền Bắc đành chấp nhận câu được câu mất khi nghe thuyết minh, lồng tiếng giọng miền Nam. Ngược lại, khán giả miền Nam lại không bắt kịp với tốc độ nói nhanh của giọng người Bắc.
Khó để chiều theo nhu cầu của tất cả khán giả xem truyền hình, vậy nên ngoại trừ các chương trình bắt buộc phải thuyết minh lồng tiếng, các nhà đài vẫn lựa chọn cách Việt hóa phim, chương trình ở dạng phụ đề, dù những dòng phụ đề chạy liên tục khiến nhiều người xem đặc biệt là người già và trẻ nhỏ dễ mỏi mắt, khó nắm bắt được hình ảnh trên màn hình.
Kiên Anh