Trao đổi với NTNN, TS Vũ Trọng Khải - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NNPTNT II cho biết:
- Trong tình hình hiện nay, nông dân làm nông nghiệp không còn hiệu quả, thu nhập không còn đủ nuôi sống gia đình, do đó, họ phải rời bỏ ruộng đồng. Một nguyên nhân nữa là do diện tích đất sản xuất mỗi hộ quá nhỏ, nông dân không nhận được lợi thế theo quy mô. Họ "chẳng bõ công" làm ruộng khi mỗi hộ 4-5 nhân khẩu nhưng cũng chỉ có 4- 5 công đất. Cũng vì diện tích nhỏ nên chi phí giá thành rất cao, dẫn tới thua lỗ.
TS Vũ Trọng Khải
Ông cho rằng vì diện tích nhỏ nên nông dân thua lỗ, bỏ ruộng. Thực tế là hiện nay nông dân có diện tích càng lớn ôm nợ càng nhiều sau mỗi vụ sản xuất?
- Theo tôi, những hộ nông dân có 5 - 7ha đất sản xuất thì chỉ được gọi là lớn hơn mức trung bình chung chứ vẫn chưa đủ để tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng, chưa đủ để sản xuất lớn. Hơn nữa, nông dân của chúng ta hiện nay là nông dân đơn lẻ, chưa bước chân được vào chuỗi cung ứng toàn ngành, họ chới với từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Nhà nông do đó phải tham gia vào chuỗi liên kết nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước. Trong chuỗi này, doanh nghiệp là nhạc trưởng vì chỉ có doanh nghiệp mới hiểu thị trường, mới xây dựng được thương hiệu và đủ vốn để đầu tư lớn.
Trên thực tế, việc nông dân bỏ ruộng đã từng xảy ra cách đây nhiều năm, tại sao đến nay vẫn tái diễn. Phải chăng các chính sách về nông nghiệp có vấn đề?- Đúng vậy! Trước hết là các chính sách về đất đai. Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn ngành, nông dân phải sản xuất lớn, có diện tích đủ rộng. Thế nhưng, đến nay Luật Đất đai vẫn chưa được ban hành, nông dân chưa có cơ sở pháp lý để tích tụ đất đai. Hơn nữa, nông dân phải giỏi thì mới sống được bằng nghề. Do đó, phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ nông dân. Nghĩa là làm nông cũng phải có kỹ năng, phải được đào tạo để từ đó, họ có thể sống được bằng nghề. Hiện nay chúng ta không có người nông dân chuyên nghiệp mà chỉ là nông dân cha truyền con nối.
Mà muốn tạo ra được những nông dân chuyên nghiệp phải giải quyết hai vấn đề trên, tức là phải có khung pháp lý để tích tụ ruộng đất diễn ra lành mạnh và phải đào tạo nông dân. Theo đó, thanh niên khi tốt nghiệp cấp II, hoặc cấp III sẽ thi vào trường nông nghiệp, học để trở về làm nghề nông chứ không phải học để thoát khỏi kiếp nông dân như hiện nay. Đồng thời, phải cấp học bổng cho thanh niên đi học làm nghề nông.
Xin cảm ơn ông!