Ráo riết thi thử
Để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài việc tăng tiết, ráo riết kiểm tra, nhiều trường THPT đã tổ chức thi thử nhiều vòng cho học sinh “tập dượt” trước khi bước vào thi thật.
Học sinh Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chạy nước rút trước kỳ thi tốt nghiệp. |
Học sinh Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng đã trải qua 3 vòng thi thử… như thật với 6 môn thi theo quy định của Bộ GDĐT. Các vòng thi thử đều diễn ra nghiêm túc, điểm thi được dán lên bảng tin của trường và được lưu vào sổ điểm lấy hệ số đánh giá học sinh cuối năm.
Cô Nguyễn Thị Thơm – giáo viên nhà trường cho biết: “Tuy tổ chức như thật và có lấy điểm nhưng quan điểm của nhà trường là không gây áp lực cho các em. Chủ yếu là để phân loại học sinh để có kế hoạch ôn tập cụ thể giúp các em có kết quả thi tốt nhất”.
Tương tự, Trường THPT Marie Curie (Hà Nội) cũng đã tổ chức thi thử 2 vòng sau mỗi 4 tuần ôn thi. Phó Hiệu trưởng Bùi Lệ Du cho biết: “Qua mỗi vòng thi thử, trường đã lọc ra được một lớp học sinh yếu kém để phụ đạo thêm vào các buổi chiều từ thứ 5 đến thứ 7, có sự tham gia quản lý, động viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Tại Sở GDĐT Đồng Tháp, bà Phan Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Sở cho biết, Sở cũng đã tiến hành thi thử tốt nghiệp quy mô toàn tỉnh… y như thật. “Đây là cơ sở đánh giá kết quả ôn thi của học sinh để có hướng điểu chỉnh. Phương pháp này đã được thực hiện nhiều năm qua và thấy được kết quả tốt. Học sinh tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi thật, còn các trường chủ động hơn với các tình huống xảy ra trong kỳ thi” – bà Hà cho biết.
Khống chế tiêu cực khi… tự xử
Để tránh tiêu cực có thể xảy ra khi không thi cụm, chấm chéo, nhiều Sở GDĐT đã ra sức lên phương án đề phòng.
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Minh Quân cho biết, toàn tỉnh có 56 trường nhưng Sở linh hoạt chia thành 18 cụm thi, như vậy vẫn có nơi thi cụm, có nơi thi độc lập. Để tránh việc nảy sinh tiêu cực trong thi cử, Sở đã huy động 83 thanh tra coi thi, 108 cán bộ quản lý làm lãnh đạo hội đồng coi thi, 92 thư ký và 1.548 giám thị tham gia tổ chức tại 32 hội đồng coi thi (con số này đã được bổ sung nhiều so với mọi năm).
Cũng theo ông Quân: “Việc xóa bỏ thi cụm, chấm chéo không ảnh hưởng nhiều đến kỳ thi mà còn tạo điều kiện nhiều cho thí sinh vùng cao không phải mất công sức đi lại. Sở sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra đột xuất, liên tục các cụm thi để tránh tiêu cực. Ngoài ra, Sở đã có công văn phối hợp với bên công an hỗ trợ việc đảm bảo an toàn trường thi trong các ngày cao điểm”.
Tương tự, Sở GDĐT Quảng Ninh cũng đã lên phương án đối phó kịp thời với tiêu cực khi không còn thi cụm, chấm chéo.
Ông Đỗ Văn Thuấn – Giám đốc Sở cho biết, việc coi thi và chấm thi sẽ do chính giáo viên trong tỉnh đảm nhiệm. Riêng công tác thanh tra thi, Sở đã mời các cán bộ làm công tác quản lý tại các phòng, khoa chuyên môn của Trường CĐ Sư phạm tỉnh kết hợp thanh tra. Ngoài ra, để tránh tiêu cực trong chấm thi, tại 2 hội đồng chấm thi sẽ tuyệt đối thực hiện nguyên tắc giáo viên tham gia chấm thi không được chấm bài của học sinh trường mình.
Bộ GDĐT cũng cho biết, Bộ sẽ tăng cường thanh tra đột xuất trong tất cả các khâu, chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi tại các tỉnh, thành.
Tùng Anh