Bớt mặc cảm cuộc sống
Mô hình hỗ trợ người khuyết tật nghèo nuôi bò ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội. |
Gia đình bà Nguyễn Thị Chanh (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) từng là gia đình nghèo nhất xóm. Nhà bà đông con, 3 sào ruộng không đủ ăn trong khi con út của bà lại bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ xoay tiền thuốc thang cũng đủ khổ.
Khi được Hội Bảo trợ người khuyết tật hỗ trợ tiền mua bò giống, dạy chăm sóc bò, gia đình bà đã thoát nghèo, đời sống khá giả hơn trước.
Bà Chanh phấn khởi cho biết: “Con bò dự án của nhà tôi đã đẻ được 2 lứa, tính ra vợ chồng tôi cũng đã thu được gần chục triệu đồng. Không những thế cô con gái út còn được dạy nghề móc vòng xuất khẩu. Mỗi tháng cháu cũng kiếm được 400-500 nghìn đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng nhờ đó mà cháu bớt mặc cảm, vui vẻ hơn trong cuộc sống".
Ông Nguyễn Văn Cúc (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) là 1 trong số 25 hộ gia đình có người khuyết tật trong xã thành công nhờ mô hình sinh kế nuôi lợn sinh sản. Sau một năm ông đã nuôi được 3 lứa, mỗi lứa thu lãi từ 800.000-1.000.000 triệu đồng.
Ông Cúc cho biết: "Hiện nay tuy dự án đã kết thúc nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nuôi lợn theo mô hình này. Cuối năm gia đình vẫn báo cáo đầy đủ với xã để xã tính toán tạo nguồn lợn giống hỗ trợ các gia đình khó khăn khác".
Mở rộng thêm nghề cho người khuyết tật
Ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch T.Ư Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi VN khẳng định, mô hình sinh kế hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm rất phù hợp với người khuyết tật nghèo ở nông thôn. Bên cạnh một số mô hình sinh kế nông nghiệp thì T.Ư Hội cũng đang phối hợp với các địa phương mở rộng hơn nữa các mô hình nghề cho người khuyết tật như: Trang bị máy và dạy nghề may công nghiệp cho nhiều lao động khuyết tật là người dân tộc ở huyện Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum, dạy nghề mây tre đan cho lao động khuyết tật ở các làng nghề Hà Nội…
Trong năm 2010, Hội đã triển khai được 8 mô hình sinh kế điểm về nghề nông nghiệp trong cả nước, tổ chức dạy nghề, bổ trợ kỹ thuật cho gần 500 người khuyết tật, hỗ trợ hàng chăm chiếc xe lăn, máy trợ thính, máy may… giúp người tàn tật và gia đình của họ cải thiện chất lượng cuộc sống. Tới đây T.Ư Hội sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn của nhà nước, nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để nhân rộng mô hình sinh kế cho người tàn tật trong phạm vi cả nước.
Minh Nguyệt