Tôi tới thôn 11 vào một ngày đầu đông. Con đường độc đạo để vào làng là một con suối lớn. Anh Thang Văn Kiên - người dẫn đường cho chúng tôi bảo, bây giờ là mùa khô nước suối chỉ ngang gối, chứ mùa mưa lũ nước rất hung dữ, suối sâu khó mà vào bản.
Học cái chữ khó quá
Ngăn sông cách núi nên cuộc sống của 43 hộ dân nơi đây chỉ bó hẹp trong thung lũng. Đi gần một giờ, chúng tôi mới thấy nóc nhà đầu tiên, những mái nhà lưa thưa chạy dài trong thung lũng khe Ngòi Lắn.
Từ thôn ra trung tâm xã phải đi bộ mất vài tiếng. "Nhà tôi có hai đứa con, đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ học mẫu giáo. Ngày nào tôi cũng dậy từ 5 giờ sáng để cõng hai đứa đi học, 3 giờ chiều đi đón chúng về.
Cả đi và về hơn 3 tiếng. Mùa đông thì lạnh, mùa lũ nước to nên chuyện con trẻ nghỉ học là bình thường"- bà mẹ người Dao, Đặng Thị Thanh kể khổ. Không riêng chị Thanh, mà các gia đình trong thôn có con nhỏ đi học đều chịu nỗi cực này. Nhiều người đùa rằng, thôn 11 đặc biệt nhất vì cả mẹ lẫn con đều đi học.
“Trẻ học hết THCS là ở nhà, đến nay thôn mới vinh dự có một em học lên THPT, nhưng chưa chắc đã theo hết. Đời bố mẹ đã thất học, mong con cháu có cái chữ lắm, nhưng khó quá" - Trưởng thôn Lê Quảng Bình bày tỏ.
Điện, giấc mơ xa vời
Nhiều cụ già nơi đây đã gần đất xa trời nhưng vẫn chưa một lần được sống dưới ánh điện. "Tôi gần đất rồi, chỉ mong sao con cái sau này được xem cái TV…" - cụ Hoàng Văn Lược nói.
Không trạm y tế, khi ốm đau, sinh đẻ... mọi người đều phó mặc cho ông trời hay bài thuốc Nam truyền thống và cúng thần núi. Bao nhiêu cái chết oan nghiệt cũng từ đó xảy ra. Bà con trong thôn không quên cái chết của bà Hoàng Thị Môn, Hoàng Thị Ái bị cảm đưa được đến trạm y tế xã thì đã muộn bởi đường quá xa.
Thứ có thể coi là giàu có nhất ở đây là nước. Nhà nào cũng có một vòi nước tự chảy lấy về từ các con suối. Nhưng có tận mắt chứng kiến cảnh từng đàn trâu thi nhau đằm và "bậy" ngay giữa dòng nước mới thấy nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tật. Cả bản không có nổi một nhà vệ sinh. “Nhà vệ sinh” là bụi rậm gần suối, chính dòng nước mà họ đang dùng.
Thoát nghèo - bài toán nan giải
Ông Lê Quảng Bình-Trưởng thôn
Ông Hoàng Minh Xuân- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Long phân trần: "Thôn có 43 hộ thì 27 hộ nghèo, số còn lại cũng không hơn hộ nghèo là bao". Cả thôn chỉ có hơn 2 mẫu ruộng trồng lúa một vụ, chia ra mỗi hộ không nổi 1 sào.
Nhà may mắn lắm mỗi năm cũng chỉ thu về tạ thóc, từng đó chỉ đủ cho một người ăn dè hơn 1 tháng. Không có cái ăn, nên nhà nhà thi nhau vào rừng chặt gỗ đem bán lấy tiền mua gạo.
Theo ông Xuân, trước đây thôn đã có dự án xây dựng công trình nước sạch do Chương trình 135 đầu tư, nhưng do người dân sống không tập trung, địa hình quá phức tạp nên dự án không thành.
Hiện, xã đang triển khai dự án mở đường vào thôn (vốn Chương trình 135), nhưng cũng khó có thể hoàn thành, bởi tuyến đường quá dài và địa hình rất phức tạp. Còn làm điện, trường học, trạm y tế… thì chưa có dự án nào đủ kinh phí.
Huấn Triệu