Dân Việt

Cần phải quản lý giá một số thuốc thiết yếu

20/12/2010 13:40 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là khuyến nghị của bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi trao đổi với Dân Việt.

Bà có nhận định gì về giá thuốc và việc quản lý giá thuốc hiện nay?

img
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu

- Hiện nay, các loại thuốc bán mỗi nơi mỗi giá, không ai quản lý nổi. Bộ trưởng Bộ Y tế nói là có 22.000 mặt hàng thuốc, quá nhiều nên khó quản lý. Nhưng khó không phải là không quản lý được. Theo tôi, cần phải quản lý một số mặt hàng thuốc thiết yếu, trong đó quản lý chất lượng và giá cả. Việc quản lý giá bắt đầu ngay từ khâu bắt buộc ghi công khai giá.

Công khai giá thuốc đã được quy định trong luật, theo bà vì sao các cửa hàng thuốc không thực hiện?

- Luật Dược, Pháp lệnh quản lý về giá đã có quy định cụ thể về quản lý giá thuốc. Vì vậy cần phải quản lý giá thuốc ngay ở khâu yêu cầu niêm yết công khai. Cụ thể, anh bán giá nào phải ghi giá đó công khai lên bảng giá, dán lên hộp thuốc. Hiện các cửa hàng thuốc không thèm ghi giá thuốc, hoặc nếu có chỉ là chiếu lệ, không đầy đủ, cập nhật. Với giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện (BV) cũng như vậy, phải quản lý được niêm yết giá để tránh tình trạng giá thuốc BV cao hơn thị trường. Nhà thuốc BV là nơi đáng ra phải bán đúng giá, chí ít là bằng với giá của bên ngoài bởi vì đây là nơi do BV quản lý, thậm chí có nơi sử dụng nhân lực của BV mà để xảy ra tình trạng giá thuốc cao hơn thị trường bên ngoài là không được.

img
Kiểm soát giá thuốc trước hết nên bắt đầu từ việc công khai giá bán thuốc

Thưa bà, Dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý giá thuốc cho người mà liên Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương đang soạn thảo đưa ra vấn đề quản lý giá thuốc theo thặng số. Giải pháp này có hữu hiệu không?

- Mấu chốt của vấn đề quản lý theo thặng số là doanh nghiệp phải kê khai giá CIF, tức giá thuốc nhập khẩu về đến hải quan VN. Nhưng tôi thấy khó quản lý được giá CIF bởi vì, muốn làm được điều đó thì phải triển khai quản lý được đồng bộ. Mình có chắc là các bên đều không có tiêu cực không? Mặt khác, dù có quản lý theo thặng số mà quản lý 22.000 mặt hàng thì không làm nổi. Theo tôi, chỉ nên quản lý giá đối với một số mặt hàng thuốc thiết yếu.

Về sự phối hợp giữa các cơ quan địa phương và lực lượng thanh tra trong vấn đề quản lý giá thuốc thì thế nào, thưa bà?

- Trong bất cứ luật nào cũng quy định, UBND địa phương có trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, nhưng có anh nào làm việc đó không? Lực lượng thanh tra dược thì quá mỏng. UBND phải quán triệt tất cả các ngành cùng phối hợp. Ví dụ, công an khu vực nhìn thấy nhà thuốc chưa niêm yết giá thuốc hoặc giá mặt hàng nơi này cao hơn so với nơi khác nhiều phải có trách nhiệm phối hợp xử lý. Và người quản lý đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, phải nhận trách nhiệm liên đới nếu có trường hợp vi phạm về giá thuốc tại địa phương thì mới hiệu quả.

Theo dự thảo thông tư mới, liên Bộ Y tế, Tài chính, Công Thương có trách nhiệm quản lý giá thuốc. Điểm mới nhất của dự thảo này là bổ sung quy định về thặng số bán buôn toàn chặng đối với thuốc cung ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT chi trả. Tức là tỉ lệ phần trăm được lãi phải tuân thủ theo quy định của nhà nước trong suốt quá trình cung ứng thuốc. Quy định này nhằm giảm tối đa các “kênh” buôn bán trung gian. (Nguyễn Mai)