Ngay trong những ngày cuối tuần qua, giá nhiều mặt hàng rau củ quả và thực phẩm ở hầu hết các địa phương tiếp tục tăng. Tại Hà Nội, giá hầu hết các loại rau đều tăng từ 1.000-3.000 đồng/củ hoặc mớ.
Nhiều hàng hoá tiêu dùng ở Hà Nội trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua tăng mạnh |
Một mớ rau cải cúc đã lên mức 4.000-5.000 đồng; rau muống lên 7.000 đồng/mớ. Su hào, cải bắp đều đạt mức 4.000-6.000 đồng/củ và 10.000-12.000 đồng/kg. Giá thực phẩm như thịt lợn cũng tăng như thịt thăn lợn 10.000 đồng/0,1kg, thịt thăn bò 16.000-17.000 đồng/0,1kg.
Nguyên nhân được các tiểu thương cho biết là do thời tiết chuyển lạnh, lượng hàng tại các chợ đầu mối khan hiếm khiến giá cả các mặt hàng tiếp tục tăng.
Báo cáo về tình hình giá cả hàng hóa 15 ngày đầu tháng 12 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết, giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn đang tiếp tục tăng lên. Theo Cục này, mặc dù cung - cầu hàng hóa đến nay đều được đảm bảo, sản xuất của hầu hết các ngành hàng đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng do khó khăn về vốn, lãi suất khiến cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên, kéo theo giá cả tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Đồng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định: Dù chúng ta đang "gồng mình giữ giá" thì từ giờ đến Tết Nguyên đán, giá cả sẽ vẫn tiếp tục tăng lên, tập trung vào các mặt hàng: Lương thực, thịt gia súc - gia cầm, nông sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rau củ… Trong nhóm gạo chủ yếu tập trung vào gạo thường, phục vụ đại bộ phận nhân dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, biện pháp được coi là quan trọng nhất là đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng cao nhất nhu cầu về hàng hóa. Đối với những hàng hóa thiết yếu mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ thì có biện pháp điều hành nhập khẩu hợp lý để bù đắp phần thiếu hụt. Theo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu của Bộ này thì từ nay đến Tết sẽ không xảy ra sốt hàng, sốt giá.
Bộ Tài chính khẳng định, trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2011, cơ quan này sẽ giữ ổn định giá các mặt hàng gồm điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí đốt, nước sạch...
Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm... đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Mai Hương