Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã nhận định, xuất khẩu gạo còn phải đối diện nhiều khó khăn, giá có thể xuống sâu nữa do cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ấn Độ, Thái Lan và một số nước cung cấp gạo lớn khác.
Xuất khẩu gạo dù ký được nhiều hợp đồng nhưng do giá thấp, doanh nghiệp vẫn lỗ. |
Giá gạo rơi tự do
Đúng như dự báo của VFA hồi cuối năm 2012, xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian qua rơi vào tình trạng ảm đạm khi giá xuống thấp, lượng hợp đồng tập trung khan hiếm. Trong khi đó, các nguồn cung gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan cũng thực hiện giảm giá bán khiến gạo Việt càng khó cạnh tranh hơn.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, hầu hết doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo hiện đang trong tình trạng “nằm im” do mức giá nhà nhập khẩu đưa ra quá thấp, thậm chí thấp hơn giá thu mua lúa của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Tuấn, hầu hết các hợp đồng xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo 5% tấm trong quý I chỉ ký được ở mức giá dưới 400USD/tấn. Thậm chí, ngay thời điểm hiện tại, nhiều đối tác chỉ trả ở mức giá 382–385USD/tấn gạo 5% tấm, giao hàng tại mạn tàu. “Trong khi giá mua vào của doanh nghiệp đã là 395 – 400USD/tấn rồi, chưa kể các chi phí khác như xay xát, chế biến, vận chuyển, lưu kho… Nếu bán với giá đối tác trả, doanh nghiệp lỗ tơi bời”- ông Tuấn cho biết.
Ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) cũng đồng ý rằng, ngay cả mặt hàng lúa thơm, giá xuất khẩu gạo năm nay đã giảm hơn từ 50 –70USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, mức giá xuất khẩu gạo Việt Nam hiện tại đang thấp kỷ lục. So với 503 USD/tấn hồi quý đầu năm 2012, giá xuất khẩu bình quân quý I/2013 thấp hơn gần 20%.
Trang tin hàng đầu ngành lúa gạo Oryza cũng cho biết, gạo Việt Nam hiện đang có mức giá thấp nhất trong rổ gạo xuất khẩu thế giới và vẫn đang trên đà giảm giá. Cụ thể, gạo 5% tấm Việt Nam có giá từ 385 –395USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 55 –60 USD/tấn, thấp hơn gạo Pakistan khoảng 40USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam ở mức giá 355 –365USD/tấn, cách gạo 25% tấm của Ấn Độ 30USD tấn và thấp hơn 10USD/tấn so với gạo cùng loại của Pakistan.
Lỗi tại doanh nghiệp?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cũng như một số doanh nhân, việc gạo xuất khẩu liên tục rớt giá một phần do lỗi của chính các đơn vị chế biến xuất khẩu gạo. Báo cáo của VFA cho biết, tính tới cuối tháng 3, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức giá ký trong các hợp đồng thấp kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lỗ vốn, giá thu mua lúa, gạo trong nước do đó cũng giảm theo.
Kiến nghị không hạn chế đầu mối xuất khẩu
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đang kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung việc quản lý thương nhân xuất khẩu gạo theo hướng doanh nghiệp nào đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật như kho chứa, nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm... thì sẽ được cấp giấy phép, không ấn định cụ thể con số bao nhiêu doanh nghiệp như hiện tại.
Ông Hồ Minh Khải cho biết, những năm trước, hợp đồng tập trung với giá cao chiếm ít nhất từ 40 – 60% trong tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo, do đó doanh nghiệp Việt Nam có được thế chủ động trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên năm nay số lượng hợp đồng tập trung khá khiêm tốn, hầu hết là các hợp đồng thương mại nhỏ, lẻ, mạnh ai nấy làm. “Nhiều nhà xuất khẩu chỉ tính lãi 10 – 20 đồng mỗi tấn gạo nên sẵn sàng ký hợp đồng giá thấp. Mà nhiều người ký thấp sẽ tạo ra mặt bằng giá chung, các nhà nhập khẩu lớn nhìn vào đấy để mặc cả khi đàm phán. Doanh nghiệp xuất khẩu lúc này có muốn tăng giá bán cũng khó thực hiện được”- ông Khải phân tích.
Ông Lâm Anh Tuấn cũng thông tin, trừ 2 hợp đồng với số lượng khoảng 440.000 tấn gạo bán cho Malaysia và Cuba có giá tốt, ở mức 430USD/tấn, hầu hết các hợp đồng thương mại ký trong quý I đều có mức giá rất thấp. Phần lớn doanh nghiệp bị áp lực phải xả hàng sau khi thu mua tạm trữ vụ đông xuân vừa qua. Hơn nữa, đến khoảng tháng 5, khi vụ hè thu bắt đầu chín, giá lúa, gạo xuất khẩu sẽ còn xuống nữa, tạo áp lực phải có đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp.
“Nếu đến ngày 20.5 mà không xả được hàng trong kho, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn khi thời hạn hỗ trợ lãi suất tạm trữ lúa gạo của Chính phủ không còn. Do đó, nhiều doanh nghiệp dù lỗ phải cắn răng chịu đựng để đẩy hàng đi”- ông Tuấn lý giải.
Trước đó, để ngăn chặn tình trạng giảm giá bán một cách vô tội vạ, VFA đã xác lập giá sàn xuất khẩu đối với gạo 5% tấm là 410 USD/tấn và 365 USD/tấn đối với gạo 35% tấm. Tuy nhiên, quy định này đã không thực hiện được khi mới đây, VFA quyết định hủy bỏ việc quản lý giá xuất khẩu bằng giá sàn, mặc cho doanh nghiệp tự ngã giá với nhà nhập khẩu.
Thuận Hải