Dân Việt

Thúc đẩy vùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn

04/04/2013 08:55 GMT+7
(Dân Việt) - Phải có hành động cụ thể để phát huy tiềm năng khu vực Tây Bắc, và nông nghiệp phải là hướng đi chủ lực...

Đó là thông điệp các đại biểu đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013 diễn ra tại Tuyên Quang sáng 3.4.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc.

img
Tại hội nghị, các tỉnh thành trong vùng đã trao 27 giấy chứng nhận đầu tư với tổng giá trị khoảng 16.700 tỷ đồng, ký cam kết và thoả thuận hợp tác đầu tư 14 dự án với trên 8.400 tỷ đồng.

Cản trở lớn nhất là giao thông khó khăn

Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh đi thẳng vào vấn đề khi cho rằng, tiềm năng, vị trí quan trọng của Tây Bắc được nói đến nhiều nhưng điều quan trọng là khai phá tiềm năng đó như thế nào. “Tây Bắc lợi thế nhiều nhưng khó khai thác. Mặt khác, không dễ gì thu hút đầu tư trong giai đoạn khó khăn như hiện nay” - Bộ trưởng Vinh nói.

Ông Vinh cho rằng, điều đầu tiên cần làm là phát triển giao thông để “kéo”" Tây Bắc gần với thủ đô, với khu vực trọng điểm kinh tế đồng bằng sông Hồng hơn. Điều này cũng được chính các nhà đầu tư “than vãn” qua những hình ảnh rất cụ thể như hàng hóa sản xuất nhưng ứ đọng, đội giá vì vận tải khó khăn; thậm chí những doanh nghiệp dưới xuôi lên Tây Bắc đầu tư cũng e ngại vì “mỗi lần lên Tây Bắc đường vòng vèo, lên đến nơi là thấy đau lưng...”.

Đồng tình với nhận định đó, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thừa nhận, dù ngành giao thông đã nỗ lực nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng Thăng đưa ra cam kết cụ thể: Cuối năm 2013 sẽ thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Việc kết nối các tỉnh với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh cũng đang được tính toán... Để thực hiện, ông Thăng đề nghị Chính phủ, các địa phương ủng hộ và triển khai việc doanh nghiệp tham gia bằng nhiều hình thức để xây dựng đường giao thông, kể cả quốc lộ và những dự án nhỏ để đẩy nhanh tiến độ.

“Nói đến Tây Bắc phải là nông nghiệp”

Bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Tập đoàn TH mang đến hội nghị những thông tin rất đáng chú ý về phát triển nông nghiệp ở Tây Bắc. Hiện tại, ngoài dự án bò sữa với thương hiệu sữa TH true MILK, tập đoàn này sẽ triển khai ở vùng Tây Bắc các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dược liệu; trồng rau củ quả xuất khẩu; trồng và chế biến gỗ…

Đồng quan điểm với bà Hương, ông Vũ Văn Tiền - Giám đốc Công ty Giấy và bột giấy An Hòa (Tuyên Quang) cho rằng: “Nói đến Tây Bắc phải nói đến rừng, đến nông nghiệp chứ không phải cái gì khác”. Ông Nguyễn Hồng Phú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển 50.000ha cao su ở Tây Bắc. “Cao su sẽ là động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tây Bắc, đưa Tây Bắc phát triển” - ông Phú nói.

Trong khuôn khổ hội nghị, các ngân hàng đã cam kết đầu tư cho 15 dự án tại Tây Bắc với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, 113 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội các tỉnh Tây Bắc với tổng số tiền hơn 543,6 tỷ đồng.

Lãnh đạo các doanh nghiệp nông nghiệp đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần hỗ trợ, thậm chí là “lôi kéo” doanh nghiệp trong thực hiện các dự án, đặc biệt là các chính sách về tập trung đất đai, phát triển vùng nguyên liệu và ưu tiên về vốn.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng Tây Bắc. Ngành nông nghiệp cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới và tăng cường áp dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất. Nhiệm vụ của Bộ NNPTNT là hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với lợi thế các tiểu vùng và cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tây Bắc là vùng ưu tiên trong xóa đói giảm nghèo của WB tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm nghèo nhưng nhiều chương trình còn manh mún, các bộ ngành chưa phối hợp với nhau. Vì thế, tôi đề nghị cần hợp nhất các chương trình.

Hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc thời gian qua chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Tới đây, Hà Nội sẽ chú trọng hơn đến các dự án chế biến nông lâm thủy sản; hỗ trợ giống cây, con, rau sạch; tiêu thụ nông sản. Hà Nội cũng sẵn sàng cùng các tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư.