Dân Việt

Về lại Đức Hoà

12/02/2010 00:27 GMT+7
Trở lại "vành đai đỏ" huyện Đức Hòa (Long An) những ngày đầu xuân, một cảm giác hừng hực khí thế của 80 năm trước như đang sống lại.
img
Cuộc biểu tình ngày 4-6-1930 của nông dân Đức Hòa.

Tám mươi năm trước...

Xuất thân trong một gia đình nông dân ở ấp Bình Tả (Đức Hòa) nhưng được học chữ nho và chữ quốc ngữ, lớn lên Võ Văn Tần lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề kéo xe, nhờ đó ông có cơ hội tiếp xúc với tư tưởng yêu nước rồi đứng ra thành lập  "Thanh niên Cách mạng đồng chí hội" (TNCMĐCH) tại Đức Hòa.

Năm 1929, Võ Văn Tần sát nhập TNCMĐCH với " An Nam cộng sản Đảng" và trở thành người cộng sản đầu tiên ở Đức Hòa. Sau một thời gian tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản tại quê nhà, ông  đã tập hợp được nhiều thanh niên yêu nước trong đó có em trai Võ Văn Ngân.

Ngày 6-3-1930, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân cùng 5 đồng chí khác tổ chức họp thành lập chi bộ Đảng. Đây là chi bộ đầu tiên ở huyện Đức Hòa và là một trong những chi bộ Đảng ra đời sớm nhất ở tỉnh Chợ Lớn (trong kháng chiến chống Pháp tỉnh Chợ Lớn gồm Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Trung Huyện và một phần huyện Bình Chánh của TP.HCM, tỉnh lỵ đóng tại Chợ Lớn).

Sau đó không lâu, Võ Văn Tần cử hai đảng viên đến xã Mỹ Hạnh thành lập chi bộ thứ hai với 12 đảng viên. Cũng trong tháng 3-1930, đồng chí Châu Văn Liêm- Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn và Nguyễn Thị Nhỏ - Xứ ủy viên Nam Kỳ đến Đức Hòa cùng Võ Văn Tần về xã Hựu Thạnh để thành lập chi bộ Đảng thứ ba với 7 đảng viên. Điều khá đặc biệt là chi bộ Hựu Thạnh đã ra tờ báo "Dân cày" in bằng phương tiện thô sơ làm tài liệu tuyên truyền, tập hợp quần chúng đấu tranh. 

Ngày 30-4-1930, tuy chỉ có 27 đảng viên hoạt động tại 3 chi bộ nhưng những người Cộng sản ở Đức Hòa  đã huy động hàng ngàn quần chúng mang cờ đỏ hình búa liềm kéo lên huyện lỵ Đức Hòa biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Đến ngày 4-6 , Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần tiếp tục chỉ đạo, huy động 5.000 nông dân các xã Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh… chia thành nhiều hướng kéo về thị trấn đấu tranh trực diện với tên quận trưởng với các nội dung chống sưu cao thuế nặng, chống lính vô cớ đánh đập nông dân…Bản thân Châu Văn Liêm lên đấu lý trực diện với tên quận trưởng.

Trước khí thế của cuộc biểu tình, Pháp phải điều lính từ Sài Gòn lên đàn áp. Đồng chí Châu Văn Liêm và hàng chục nông dân bị bắn chết ngay tại ngã tư thị trấn Đức Hòa trong lúc đang chất vấn đòi yêu sách. 

Truyền thống Nông hội đỏ

Nói về cuộc đấu tranh này của nông dân Đức Hòa, ông Đỗ Thanh Bình - chuyên nghiên cứu lịch sử ĐCSVN và phong trào đấu tranh của nông dân Long An cho rằng: "Tính đến tháng 6-1930, đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Nam bộ".

Sau cuộc đấu tranh này của nông dân, kẻ thù đã thẳng tay đàn áp, bắt trên 100 đảng viên và nông dân Đức Hòa tra tấn, giam cầm làm nhiều người hy sinh ngay trong nhà lao. Chính từ các cuộc đấu tranh ấy, phong trào nông dân ở Đức Hòa và nhiều nơi khác trong tỉnh Chợ Lớn có bước phát triển mới trong đó phải kể tới sự ra đời của tổ chức "Nông hội đỏ" (NHĐ). 

Đến Đức Hòa những ngày này, người ta không chỉ chứng kiến sự no đủ trong cuộc sống từng gia đình nông dân mà còn gặp những đổi thay trên mỗi con đường dẫn vào từng khu phố, thậm chí đường ra tới "cánh đồng mẫu doanh thu 50 triệu đồng/ha/năm" đã rải nhựa phẳng lỳ.

Nhằm che mắt kẻ thù, NHĐ hoạt động dưới nhiều hình thức dân sinh như hội đá banh, hội đánh xe ngựa, hội mai táng… nhằm vận động nông dân đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống. Tiếp tục hướng dẫn nông dân trồng thuốc lá và mía ở Đức Hòa, năm 1937, những người cộng sản khôn khéo tổ chức cho nông dân các xã trồng thuốc đấu tranh với tên Tỉnh trưởng Chợ Lớn khi hắn kinh lý tại xã Mỹ Hạnh.

Sau đó những người cộng sản ở Đức Hòa lại tổ chức hội nghị đòi quyền lợi cho người trồng mía. Tại hội nghị này, đại biểu NHĐ yêu sách nhà máy đường phải mua sản phẩm giá cao để có lợi cho người trồng mía. Các cuộc đấu tranh của nông dân do Đảng lãnh đạo ở Đức Hòa đã rèn giũa giúp cho tổ chức NHĐ nhanh chóng lớn mạnh. 

Xứng danh con cháu anh hùng

img
Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Lâm Văn Chồn (trái) với cỗ máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Khuynh Diệp

Ông Nguyễn Văn Hiển- Chủ tịch Hội ND thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa hào hứng nói: "Nối tiếp truyền thống quê hương địa chỉ đỏ, nhiều năm liên tục Hội ND thị trấn đạt danh hiệu vững mạnh toàn diện. Bí quyết của chúng tôi là gắn các phong trào của hội viên ND với công tác củng cố và xây dựng tổ chức Hội".

Ông Hiển cho biết, năm 2009, thị trấn Đức Hòa có 237 hộ đăng ký thi đua SXKDG thì 100% đạt danh hiệu các cấp. Nhiều điển hình SXKDG được hội viên ND học tập như mô hình VAC hoặc canh tác lúa kết hợp trồng màu thu lãi từ 50 - 100 triệu đồng/năm của Hà Văn Nên, Đỗ Công Thành, Đào Văn Nguội…”

Cũng ở khu phố 4, cách đây ba năm, gia đình anh Huỳnh Văn Hải sản xuất 7.000m2 đất lúa nên thiếu trước hụt sau. Hết nuôi bò lại xây bể nuôi ba ba vẫn không thoát nghèo, năm 2006 anh mua một cặp nhím nuôi "thử thời vận". Không ngờ nhím không chỉ mỗi năm thu 40 triệu đồng lợi nhuận mà anh còn thành thạo nghề nuôi con vật này.

Đến Đức Hòa những ngày này, người ta không chỉ chứng kiến sự no đủ trong cuộc sống từng gia đình nông dân mà còn gặp những đổi thay trên mỗi con đường dẫn vào từng khu phố, thậm chí đường ra tới "cánh đồng mẫu doanh thu 50 triệu đồng/ha/năm" đã rải nhựa phẳng lỳ. Nhà truyền thống, công viên tượng đài Võ Văn Tần, trường PTTH v.v… quần tụ quanh ngã tư thị trấn như tôn thêm vẻ đẹp cho quê hương "địa chỉ đỏ" mà con cháu Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần đang tạo ra trong thời kỳ mới.