Dân Việt

Hà Nội, chiến luỹ và hoa

12/02/2010 01:13 GMT+7
Đó là tên tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn vẽ về Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến, mùa đông năm 1946 - một trong những trang sử hào hùng nhất, bi tráng nhất của dân tộc.
img
Trích đoạn trong bức tranh “Hà Nội, chiến luỹ và hoa” của hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn.

Sinh năm 1975, Nguyễn Doãn Sơn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng là lúc nền hội hoạ VN đang có rất nhiều lối rẽ sau thời kỳ đổi mới. Một bầu không khí tự do trong sáng tác đã tạo nên những diện mạo mới của hội hoạ. Một xã hội đang vận hành theo một quy luật khác với nhiều đổi thay, nhiều mâu thuẫn cũng mang đến cho hội hoạ nhiều nguồn cảm hứng, nhiều đề tài.

Các hoạ sỹ bị cuốn vào những vấn đề bức xúc của ngày hôm nay, vào một thị trường tranh đang rộng mở, ít ai dành thời gian để ngẫm lại quá khứ. Vậy nên quả là đáng quý khi có một hoạ sỹ trẻ, có tài, lại đắm đuối theo đuổi một câu chuyện lịch sử mà anh không hề được tham dự. 

Nguyễn Doãn Sơn đã bỏ ra 2 năm trời với khá nhiều tiền của cho vật liệu để dựng một bức tranh hoành tráng dài 9,6m, cao 2,4m bằng chất liệu sơn dầu. Anh không hề vẽ  cho một hợp đồng, một dự án nào, anh vẽ cho chính mình, như một sự ghi ơn thế hệ cha ông đã làm nên lịch sử, làm nên cổ tích. 
img
 

Để hoàn thành bức tranh  này, anh đã sưu tầm kỹ lưỡng từ trang phục, chân dung nhân vật đến những chi tiết của đời sống vào những năm tháng  Hà Nội kháng chiến. Chỉ nguyên phác thảo anh đã làm hàng trăm bức. 

Vốn là một hoạ sĩ giỏi về hình, làm chủ được kỹ thuật sơn dầu, nhưng để chuyển tải được chất lãng mạn của sự kiện, để tránh mô tả theo phương pháp hiện thực, Nguyễn Doãn Sơn đã chọn cho mình giải pháp đồng hiện mang nhiều tính huyền thoại.

Bút pháp và ánh sáng trong tranh của anh ngả theo phong cách siêu thực, và điều đó cho phép anh tạo lập nhiều không gian trong một thời khắc của lịch sử. Những chiến sĩ cảm tử, những thiếu nữ Hà Nội làm cứu thương, những bà mẹ, lửa và cả tiếng đàn đã tái tạo  những ngày tháng bi hùng nhất, lãng mạn nhất của Thủ đô với sức lan toả thật sâu đậm.

Cái khó nhất của một tác phẩm theo đề tài lịch sử là phải thổi vào đó một không gian tinh thần vốn nằm ngoài việc mô tả kỹ năng chính xác, điều đó buộc người nghệ sỹ phải nuôi dưỡng niềm xúc cảm thực sự của mình từ những nét vẽ đầu tiên cho đến chữ ký ở cuối tranh.

Và thật mừng là Nguyễn Doãn Sơn đã làm trọn vẹn được điều này. Nhân vật trong tranh của anh thật đấy mà hư đấy. Ánh sáng và bóng tối cũng vậy, vừa mong manh vừa sâu thẳm, nhưng cái chính là toàn bộ bức tranh ăm ắp hào khí của những người con Hà Nội trong những ngày khó lửa. Một Hà Nội oai hùng và lãng mạn.

Cách đây đã lâu, từ ngày anh mới ra trường và tự chọn cho mình con đường độc lập của một “hoạ sĩ tự do ngoài biên chế”, tôi đã được xem tranh của anh. Thời kỳ đó anh đã vẽ rất kỹ và cũng có nhiều tìm tòi, nhưng dường như ở anh vẫn còn thiếu một cái gì đó, giống như sự tự tin hay một niềm xúc cảm mạnh mẽ.

Nhưng tôi thật sự xúc động khi được anh mời đến xem bức tranh vừa hoàn thành này. Rõ ràng anh đã có niềm tin và cả sự bình tâm nữa. Điều đó càng làm tôi vững tin rằng: Yếu tố thành công trong nghệ thuật chính là tấm lòng, là sự rung động chân thành. Một thái độ rành mạch với quá khứ, biết trân trọng, biết giận dữ, đều là đáng quý.