Dân Việt

Em ơi, Hà Nội... làng

13/02/2010 22:42 GMT+7
Ở Pháp, Paul nghe người ta và cả báo chí nữa, nói, Hà Nội là một cái làng lớn nhất thế giới. Anh bảo tôi: "Có thể họ nói hơi quá, nhưng tôi lại thích và yêu cái làng ấy. Thì có làm sao?".

Trong bài thơ "Em ơi, Hà Nội phố - Thơ tặng người Hà Nội đi xa" thi sĩ Phan Vũ đã có những câu thơ thật nồng nàn: "Em ơi, Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan /Ta còn em mùi hoa sữa…".

img
 Cổng làng Lủ hôm nay. Ảnh: Nguyễn Quang Thân
Những gì đọng lại trong hồn người Hà Nội đi xa phải chăng chỉ có thế? Hương thơm hoàng lan và mùi hoa sữa? Đúng là chỉ có thế, mà không chỉ có thế. Hà Nội luôn có trong hồn người Việt, mỗi lần dừng chân trên đường đời chợt nhớ, kể cả khi ai chưa từng đặt chân đến Hà Nội, kể cả khi ai vẫn đang sống trong lòng Hà Nội. Muốn hỏi khi xa Hà Nội người ta nhớ tới cái gì nhất thì mỗi người sẽ có câu trả lời riêng của mình, không ai giống ai.

Nhà thơ, người hát rong của thời đại, đã chắt lọc được những vi lượng trong hồn người thành chữ. Tiếng dương cầm, mùi hoa hoàng lan, mùi hoa sữa, mái tóc xõa vai mềm nép nơi góc phố, một gốc cây, một cây cột đèn, một chuyến tàu khuya. Đó là hình ảnh một Hà Nội xinh xắn, dễ thương, nghèo nhưng sạch sẽ, ngăn nắp và sang trọng đã từng lắng lại trong ký ức nhiều thế hệ là người Việt hay người nước ngoài từng sinh ra, từng sống hay từng làm anh lính xâm lược đồn trú ở đây. 

img
 Phơi miến trong làng cổ Cự Đà. Ảnh: Hoài Linh

Có một anh người Pháp tên là Paul, quê ở Lyon, bố anh từng đóng quân ở Hà Nội trong đoàn quân viễn chinh xâm lược, trước khi mất, nói với con: "Bố muốn trở lại Hà Nội nhưng không kịp rồi. Con hãy cố đến đó dù chỉ một lần thay bố". Trong hơn 30 năm qua, Paul đã hơn năm lần đến Hà Nội, lấy một cô vợ ở quận 8 Sài Gòn mang về Pháp, nhưng mỗi lần trở lại Việt Nam, thế nào anh cũng đến Hà Nội một hai ngày. Anh mê mẩn trong tình yêu Hà Nội mà không nói được vì sao! Ở Pháp, Paul nghe người ta và cả báo chí nữa, nói, Hà Nội là một cái làng lớn nhất thế giới. 

Quả thật, cái làng cũng có nhiều hấp dẫn không chỉ với người Pháp mà với rất nhiều người Âu, Mỹ. Họ không có làng. Ở Paris người ta không biết tên hàng xóm. Ở những thị trấn nhỏ, may ra người dân Pháp biết được tên của hai gia đình bên phải và bên trái nhà mình. Làng là nơi chan chứa tình người vốn mỗi ngày một lạnh nhạt ngày nay. Về làng, người ta tìm lại được nhiều thứ đã mất, thời gian đã mất. Xa xứ, xa quê, người ta đau đáu nỗi nhớ làng.  

Ai cũng biết, Hà Nội đã từng là làng. Ngay trước khi Pháp chiếm Hà Nội lần thứ hai, Hà Nội vẫn cũng chỉ là làng, một Kẻ Chợ hình thành nên bởi các làng nghề và những người nông dân là thợ thủ công. Thời thịnh Lê, Vua Lê Thánh Tông, vị minh quân có nhiều cải cách, chắc đã nhận ra chỗ yếu biệt lập với cung cách nông dân về ở phố ấy có thể làm mất vẻ đẹp có tổ chức của  chốn kinh kỳ nên đã tính "giãn dân", xua dân tứ xứ về quê để xây dựng một thủ đô vững mạnh có thể lấy gạo lấy thịt, lấy vải khắp nước về dùng chứ không chỉ trông mong vào cung cấp tại chỗ. Nhưng ý định đó đã không thực hiện được và cuối cùng Thăng Long vẫn phải lấy các làng nghề làm "vi bản", tuy các làng tứ chiếng không còn "xác" nhưng "hồn" thì vẫn bám trụ trong nếp sống thủ đô cho đến hôm nay như đám rễ cây ngàn năm.

img
 Phơi lụa ở làng Vạn Phúc. Ảnh: Mạc Hà

May sao, mà không biết may hay rủi đây, Hà Nội mở rộng lại có thêm nhiều làng, rất nhiều làng và với hơn 1.200 làng nghề có tên tuổi như Bát Tràng làm gốm, Vạn Phúc dệt lụa v.v, Hà Nội là nơi tập trung làng nghề đông đúc bậc nhất Việt Nam và sẽ là một thủ đô hết sức độc đáo không mấy nước có. Nếu Hà Nội phố đã có tới vài triệu dân như hiện nay không còn là "cái làng lớn nhất thế giới" nữa thì Hà Nội vẫn là thành phố có nhiều làng xã nhất thế giới. Đô thị hóa Hà Nội đã dần dà đẩy nốt những cái làng cuối cùng vào dĩ vãng. Vết tích còn lại của làng xưa là những cái cổng làng, may ra còn lại đình làng. Hội làng, lệ làng là thứ bền vững nhất trong tâm hồn người dân nhưng cũng bị mai một. Các cô cậu 8x, 9x của Hà Nội ngày nay thậm chí không đi hội làng dù có tổ chức ở mái đình góc phố.

Người Hà Nội đi xa không chỉ thổn thức "Em ơi, Hà Nội phố" mà nay còn nhớ một "Hà Nội… làng" mới hình thành chưa tới hai năm kể từ ngày mở rộng. Những tiểu vùng văn hóa Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình trên địa bàn 18 huyện ngoại thành đang góp hồn của mình vào cuộc sống tinh thần thủ đô. Hà Nội ngày nay ôm vào lòng bao chùa chiền, đình làng nổi tiếng, đang là một Hà Nội của lễ hội truyền thống phong phú chưa từng có.

Lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc trong lịch sử như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, hội làng Đào Nguyên. Lễ hội độc đáo về phong tục tập quán và cũng rất có ý nghĩa lịch sử như hội thi thổi cơm ở Thị Cầm, hội thả diều, hội thi bắt chạch ở Đơ Thao, Bá Giang v..v. Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì - nơi có làng nghề làm nón quai thao và may các đồ thờ cúng trước đây, nay nổi tiếng nhờ nghề chè chai đồng nát, thu mua và chế biến phế liệu, có lễ hội độc đáo với trò chơi "đĩ đánh bồng", hai nam cải trang thành nữ nhảy múa với chiếc trống Bồng trước bụng.

Trước đây những lễ hội này là "đặc sản" của Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh v.v. nay đã là của Hà Nội. Và cuối cùng, không thể không nói tới Hội Chùa Hương, lễ hội lớn nhất, kéo dài nhất và được dân chúng trong nước cũng như nhiều kiều bào và du khách nước ngoài tham dự hàng năm, nay đã thuộc đất kinh kỳ chứ không là của Hà Tây như trước nữa. 

Rồi không biết có xuất hiện một nhà thơ nào khác Phan Vũ thổn thức gọi "Em ơi, Hà Nội… làng" khi phiêu bạt nơi chân trời góc bể? "Đường trong làng hoa dại với mùi rơm/ Người cùng ta đi dạo giữa đường thơm/ Lòng dắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng" (Huy Cận) Cách biệt bao lần quê Bất Bạt/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì (Quang Dũng)…

Bây giờ người ta có quyền ngâm ngợi những câu thơ ấy khi dạo bước trên đường làng Hà Nội mà không cần vay mượn tình cảm hay giả tạo chút nào. Cái Bất Bạt, cái Ba Vì xa xôi cách biệt ngày xưa trong thơ Quang Dũng ấy nay đã là Hà Nội. Hà Nội sẽ thêm chất thơ trong ký ức người đi xa nhưng cũng thêm gánh nặng với một vùng quê rộng lớn và giàu ký ức. Liệu Hà Nội có gánh nổi cái gánh nặng văn hóa ấy, cái tình cảm lưu luyến quá khứ, sức ì của quá khứ trên con đường hiện đại hóa của một thủ đô từng nổi tiếng là trữ tình, xinh xắn và thơ mộng?

"Em ơi, Hà Nội làng", sao mà lắm nỗi ưu tư!