Dân Việt

Tôi đã khóc

17/02/2010 16:02 GMT+7
Chia tay các chị, tôi bật khóc trên chuyến xe ngược về thành phố. Chợt thấy hình như mình đã trưởng thành hơn nhiều khi không khóc lúc bị đe doạ mà vì những tình cảm nồng ấm đó
img
PV Nguyễn Thiêm trong một chuyến công tác.

Lần đầu tiên làm phóng viên tập sự ở báo NTNN, tôi được giao tham gia thực hiện loạt bài "400 ngày sống mòn trong xưởng may đen" -về thực trạng  cùng cực, khó khăn của gần 40 lao động người Thái Nguyên đi xuất khẩu lao động tại Nga bị lừa vào làm trong một xưởng may trốn thuế.

Khi gặp gỡ các chị tôi thực sự thấy đau lòng trước tình cảnh "trắng tay, lay lắt" của các chị. 400 ngày ở xứ người họ đã sống không khác gì nô lệ, ăn không no, mặc không ấm, phải làm việc trong phòng tối và chịu sự đuổi bắt, kiểm tra thường xuyên của cảnh sát Nga.  

Có chị còn đưa cho tôi xem chiếc dép tổ ong đen sì vì nhiễm nước bẩn - thứ nước mà các chị vẫn phải dùng để sinh hoạt hàng ngày. Kể chuyện với tôi, các chị đã khóc.

Sau hai kỳ báo được đăng, tôi nhận được một cuộc điện thoại của một "người lạ mặt" giới  thiệu là người của Công ty Vinahandcoop muốn  "nói chuyện" về bài vở của tôi với giọng doạ dẫm. Anh ta nói biết tôi còn rất trẻ và mới vào nghề nên khuyên tôi cần thận trọng.

Ngay lập tức, trong đầu tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi: Liệu bài viết của tôi ảnh hưởng gì cho các chị không bởi ở thời điểm đó họ vẫn chưa nhận được tiền thanh lý hợp đồng? Những người cung cấp thông tin cho tôi có bị người “lạ mặt” trả thù không?

Và tôi - một phóng viên tập sự còn thiếu kinh nghiệm có giúp gì được cho họ? Bình tâm lại, tôi thấy mình hoàn toàn đúng khi đứng về phía những người lao động nghèo và sự doạ nạt này càng chứng tỏ rằng phía công ty môi giới đang cố tình lấp liếm những sai sót của họ. 

Lên Thái Nguyên để dự cuộc "đàm phán" thứ ba giữa lao động và công ty môi giới có sự "hoà giải" của Sở LĐ-TB & XH Thái Nguyên, tôi gặp lại các chị. Họ mừng rỡ đón tôi ở cổng Sở khi tôi còn đang loay hoay tìm đường. Họ xúc động chuyền tay nhau đọc những tờ báo tôi mang lên từ Hà Nội, trong đó có đăng bài viết về hoàn cảnh của các chị.

Bắt chuyến xe cuối cùng trở về Hà Nội lúc trời đã tối sẫm, một chị nắm chặt tay tôi khi đưa tôi ra bến xe và dặn dò: "Khi nào có dịp lên nhà chị, ăn với chị một bữa cơm, ngủ với chị một tối, tuy mới gặp em nhưng chị đã thấy quý em như em gái mình vậy".

Chia tay các chị, tôi bật khóc trên chuyến xe ngược về thành phố. Chợt thấy hình như mình đã trưởng thành hơn nhiều khi không khóc lúc bị đe doạ mà vì những tình cảm nồng ấm đó.