Dân Việt

Chợ Tết quê xưa

18/02/2010 00:42 GMT+7
Đi chợ Tết siêu thị bây giờ cũng giống như ngắm hoa đào giả vậy! Tôi biết trong lòng mình chỉ có tinh thần mùa xuân ở những phiên chợ Tết quê xưa.
img
Xin chữ ông đồ về treo Tết

Nói là xưa nhưng ngay bây giờ và mãi mãi sau này, phiên chợ Tết quê vẫn thế! Vẫn dạt dào nồng hậu, thiêng liêng và ấm cúng. Vậy mà tôi cùng người vẫn gọi là xưa, hoá ra những giá trị trường tồn hằng sống cùng ta, nhưng ta cứ lướt qua, cứ hắt hủi hoặc chà đạp lên nó, cứ cuống quýt sinh tồn thì những giá trị đó được gọi là "ngày xưa".

img
Ép bánh chưng khi vừa dỡ khỏi nồi

"Tháng Năm chưa nằm đã sáng, tháng Mười chưa cười đã tối". Mùa đông ngày ngắn đêm dài. Nhất là cái đêm cuối mùa đông, ngày 28 tháng Chạp mới dài làm sao. Cái đêm người quê tôi nằm thấp thỏm đợi sáng mai đi phiên chợ Tết.

Đi chợ Tết, họ không hỏi nhau mua sắm gì. Người nhà quê ý tứ lắm! Nếu hỏi mua gì thì cho là dò róc… Họ chỉ dáo dác giá cả hàng Tết: Lá dong năm nay rẻ lắm! Ôi chao, cau đắt ơi là đắt! Nghe đồn những 5 hào một quả cơ! Chuyện! Cau mất mùa mà! ... Sau đó là tiếng kể chuyện Kiều, chuyện Lục Vân Tiên, chuyện Hoàng Trừu cùng những câu ca dao với nhịp thơ sáu tám theo chân họ, những bàn chân không giày dép, đỏ hồng nhịp nhàng trên chặng đường dài hơn 20 cây số. 
img
Chọn mua đào Tết

Chợ huyện có hai cửa đông nghịt, chật ních, không phân chia cửa vào lối ra. Người mọi nơi đổ về ùn lại, không chen lấn xô đẩy, họ tựa vào nhau, ép vào nhau, toả hơi ấm sang nhau. Đó cũng là thời khắc trai làng, gái làng mười chín, đôi mươi có dịp "đụng chạm", dù trước đó họ chưa hề quen biết gì nhau, nay chợ Tết cho họ được ép sát nhau, được thẹn thùng, ngượng ngập.

Mặc dù họ rất vội vã vào chợ nhưng lại mong được kéo dài thời khắc hiếm hoi này. Thế rồi ai cũng vào được chợ, chỉ có bọn trẻ con đi theo là phải ngồi ngoài, dưới các gốc cây to trông quang gánh, để người lớn vào mua từng thứ như su hào, cà chua, khoai tây… và mang dần ra.

Trong thời gian chờ đợi từ sáng đến trưa, đứa thì buồn thiu, đứa thì chơi chuyền, chơi chắt, đứa thì đánh đáo. Có đứa được mẹ mua cho vài nắm bỏng bộp hoặc vài quả nhót hay mấy gói kẹo bột. Chúng đều dè xẻn chia nhau.

Người nhà quê đi chợ thường, hay chợ Tết đều không ăn quà chợ. Thường thì họ nhịn đói cả buổi. Cũng có đôi ba người không cầm lòng được, phải ăn giấu cái bánh đa, bát bún. “Ăn giấu” kẻo gặp người làng lại mang tiếng suốt đời là kẻ "đi chợ ăn quà vụng chồng vụng con!". Chẳng phải vì nghèo khó đâu, đấy là một đức hạnh của nông dân. 

Ngoài mấy thứ lương thực, thực phẩm giản dị để chế biến, những người vào chợ hay sắm một vài vật phẩm trang trí. Người chọn mua cuốn thư, bằng bìa vở học trò khổ lớn, có dán ảnh Bác Hồ và đề hàng chữ "Không có gì quý hơn độc lập tự do" vẽ bằng phẩm màu hoặc bột "oát". Người khác lại mua câu đối viết chữ quốc ngữ "Đất nước hoà bình - Gia đình hạnh phúc". Người mua cành hoa giấy, người mua lá dong, trầu cau. Rồi có người mua nải chuối tiêu xanh, quả bưởi vàng làm mâm "nhị quả". Hầu hết mâm ngũ quả nhà quê chỉ có quả bưởi vàng ngự trên nải chuối xanh.

Đơn giản thế thôi, nhưng tất thảy đều mang tinh thần thiêng liêng, chân thành. Những thứ mua được đều phải giơ cao trên đầu để đi qua cổng chợ. Ra khỏi đó, những tốp người lại đợi nhau, tìm nhau để ra về. Những đôi đã hò hẹn thì lưu luyến chia tay. Còn ai chẳng may mà lạc nhau thì bắt đầu bâng khuâng cho một sự nuối tiếc, một "cuộc lỡ làng" nho nhỏ và dấm dứt.

Ôi! Phiên chợ Tết quê tôi là phiên chợ của thi ca, chợ của tâm linh hướng về tổ tiên, trời đất, chợ của tình yêu lứa đôi, chợ của nụ cười, ánh mắt đã trút bỏ mọi nhọc nhằn của mồ hôi, nước mắt của tháng Năm năm việc, tháng Mười mười việc, vật lộn với nắng mưa bùn đất.