Mặn tứ bề
Tính đến cuối tháng 2, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều đã bị nước mặn xâm lấn. Các địa phương bị xâm mặn nhiều nhất là Hậu Giang, Tiền Giang và Bến Tre.
Theo ông Nguyễn Văn Đại (Chi cục Thủy lợi Hậu Giang), từ giữa tháng 2 nước mặn đã xâm nhập vào các xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn A, Xà Phiên (huyện Long Mỹ) và các xã Tân Tiến, Hỏa Tiến và Hỏa Lựu (thị xã Vị Thanh), với nồng độ mặn đo được những ngày gần đây nhất là 2,6- 7%o.
Máy bơm nước mặn ra khỏi vùng ngọt. |
Trong khi đó, tại Tiền Giang, tính đến cuối tháng 2 nước mặn đã xâm nhập vào đất liền trên 30km. Đáng lo hơn là tình hình xâm mặn đang lấn sâu từng ngày. Hiện tại tỉnh có trên 10.000ha lúa đông xuân bị nước mặn đe dọa, trong đó 2.000ha lúa thu hoạch trung tuần tháng 3 có nguy cơ thiếu nước gay gắt.
Còn ở Bến Tre, xâm mặn đã cách biển trên 30km. Hiện tại các địa phương như xã Lộc Thuận, vàm Giao Hòa, Sơn Đốc, Phú Khánh, Cổ Chiên (huyện Bình Đại), Bến Trại, Hương Mỹ, Thành Thới B (huyện Mỏ Cày) đều đã bị xâm mặn với độ mặn từ 2-12%o.
Nhìn 25 công ruộng đã hơn 40 ngày tuổi của mình đang dần dần chết khô, nông dân Quách Văn Vĩnh, ấp Tường Thắng, xã Vĩnh Thanh (Phước Long) ứa nước mắt: "Chưa có năm nào nước mặn lại vào đến khu vực này cả vì cách xa biển đến hơn 40km, không hiểu sao năm nay nước dưới sông mặn hết rồi. Không bơm nước lúa khó sống, bơm ba cái nước mặn đó lên lúa càng chết nhanh hơn".
Ông Phạm Quốc
Xâm nhập mặn khiến nhiều đồng lúa ở Hậu Giang chết chỏng chơ. |
Quẩn quanh chống xâm mặn
Ông Lương Ngọc Lân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết: "Hiện nay có hai vệt nước mặn đang tồn tại trong vùng ngọt. Nếu mở cống lấy nước ra sẽ làm cho vệt nước mặn này loang ra các nơi khác. Hiện nay các dòng kênh đang bị cạn kiệt do người dân bơm nước phục vụ cho sản xuất quá lớn, nên nông dân các huyện Phước Long, Hồng Dân, được huy động bơm nước mặn ra khỏi vùng ngọt để mở cống lấy nước mặn ra, đón nguồn nước ngọt từ Sóc Trăng qua đập Nàng Rền về phục vụ sản xuất".
Theo ông Lân, nếu chọn giải pháp cứu lúa, lấy ngọt từ thượng nguồn về phải mở hệ thống cống dọc theo QL 1A sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nước mặn cho người nuôi tôm. Hiện nay hệ thống thủy lợi tại vùng này vừa phục vụ nước mặn cho nhu cầu nuôi tôm vừa phục vụ nước ngọt cho nhu cầu trồng lúa. Trong khi đó, hệ thống cống chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào để hài hòa lợi ích của cả hai là điều vô cùng khó khăn" - ông Lân lý giải.
Các địa phương như Hậu Giang đã cho xây dựng hệ thống dẫn ngọt từ xã Vị Bình (Vị Thủy) về trung tâm thị xã Vị Thanh và sẽ hoàn thành vào giữa tháng 3 tới. Còn Chi cục Thủy lợi Tiền Giang cho biết cũng đang khẩn trương lấy nước ngọt ở cống Xuân Hòa, đồng thời chuẩn bị phương án bơm chuyển nước lên kênh cấp 2 để cứu lúa.
Tỉnh Bến Tre cũng đang gấp rút xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước ngọt quy mô lớn từ hồ chứa đập Ba Lai về các xã: Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận huyện Bình Đại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất với tổng kinh phí 80 tỷ đồng.