Dân Việt

TAO: Đội quân hacker tuyệt mật của NSA

ANTG 13/07/2013 08:11 GMT+7
Phòng Chiến dịch xâm nhập thích ứng (TAO) đã xâm nhập thành công các hệ thống máy tính và viễn thông của Trung Quốc suốt 15 năm qua.
Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, một đơn vị hacker tuyệt mật của Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) - tổ chức nghe lén điện tử khổng lồ của chính quyền Mỹ - gọi là Phòng Chiến dịch xâm nhập thích ứng (TAO) đã xâm nhập thành công các hệ thống máy tính và viễn thông của Trung Quốc suốt 15 năm qua, thu thập một lượng thông tin khổng lồ đáng tin cậy nhất về những gì diễn ra bên trong đất nước này.
img


Nằm ẩn sâu bên trong trụ sở phức hợp của NSA ở Fort Meade, bang Maryland miền Đông nước Mỹ, TAO được coi là bộ phận bí ẩn đối với nhiều nhân viên cơ quan tình báo tín hiệu.

Chỉ có một số ít sĩ quan NSA có quyền biết toàn bộ thông tin về TAO do mức độ cực kỳ nhạy cảm của các chiến dịch và những người bước vào không gian làm việc của đơn vị này bắt buộc phải có giấy phép đặc biệt.

Cánh cửa thép dẫn vào trung tâm chiến dịch điện tử siêu hiện đại của TAO được binh lính vũ trang bảo vệ và người muốn bước qua nó phải gõ mật mã 6 chữ số trên bàn phím cũng như qua kiểm tra quét võng mạc.

Theo tiết lộ của một sĩ quan NSA giấu tên, nhiệm vụ của TAO khá đơn giản - thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu nước ngoài bằng cách lén lút xâm nhập các hệ thống máy tính và viễn thông, bẻ khóa mật mã, phá hỏng hệ thống an ninh bảo vệ máy tính, đánh cắp dữ liệu lưu trữ trên ổ cứng máy tính và sau đó sao chép toàn bộ mọi dữ liệu quan trọng.

Tóm lại, đó là công việc bình thường của một hacker chuyên nghiệp. NSA sử dụng thuật ngữ Khai thác mạng máy tính (CNE) để mô tả các chiến dịch này. Ngoài ra, TAO cũng có nhiệm vụ phát triển kỹ thuật tin học cho phép cộng đồng tình báo Mỹ phá hủy hay gây thiệt hại cho các hệ thống viễn thông và máy tính nước ngoài bằng cuộc tấn công mạng theo lệnh từ tổng thống.

Một tổ chức tình báo khác chịu trách nhiệm tiến hành cuộc tấn công mạng như thế là Bộ chỉ huy Mạng Mỹ (Cybercom) với tổng hành dinh cũng đặt tại Fort Meade và chịu sự lãnh đạo của chính Giám đốc NSA - tướng Keith Alexander.

Từ tháng 4.2013, người chỉ huy TAO là Robert Joyce - nguyên Phó giám đốc Ban chỉ đạo Bảo đảm an ninh (IAD - bộ phận có nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống thông tin liên lạc và máy tính của chính quyền Mỹ) của NSA.

TAO hiện được coi là yếu tố lớn nhất và quan trọng nhất của Ban chỉ huy Tình báo tín hiệu (SIGINT) của NSA - bao gồm trên 1.000 hacker quân sự lẫn dân sự, các chuyên gia phân tích tình báo, chuyên gia về mục tiêu, các nhà thiết kế phần cứng và phần mềm máy tính, các kỹ sư điện tử.

Biệt khu bất khả xâm phạm của TAO ở Fort Meade là Trung tâm Chiến dịch từ xa (ROC), nơi mà đội ngũ hacker lão luyện (họ tự xưng là những điệp viên CNE) làm việc luân phiên theo ca cả ngày lẫn đêm. Các điệp viên CNE liên tục tìm kiếm các hệ thống máy tính nghi ngờ được sử dụng bởi các phần tử khủng bố để chuyển thông điệp đến các thành viên khác hay những người cảm tình với tổ chức khủng bố.

Sau khi các máy tính này được nhận diện và định vị, điệp viên CNE tiến hành đột nhập nhờ vào phần mềm chuyên dụng do đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của TAO thiết kế riêng cho mục đích này và tải xuống các nội dung chứa trong phần cứng máy tính mục tiêu, thả "bọ" gián điệp vào hệ thống máy tính đối phương để từ đó giúp TAO do thám liên tục dòng lưu thông của các email và thông điệp văn bản trên máy tính hay điện thoại di động.

TAO khó thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có đội ngũ nhà khoa học máy tính và kỹ sư phần mềm tài năng chịu sự chỉ huy của Ban Công nghệ mạng dữ liệu (DNTB) hình thành nhằm mục đích phát triển phần mềm máy tính tinh vi giúp các điệp viên CNE hoàn thành sứ mệnh thu thập thông tin tình báo.

Ngoài ra, TAO còn biên chế một nhóm đặc biệt gọi là Ban Công nghệ mạng viễn thông (TNT) nghiên cứu phát triển các kỹ thuật cho phép đội ngũ hacker của TAO bí mật truy nhập các hệ thống máy tính mục tiêu và mạng viễn thông.

Một bộ phận khác nữa của TAO gọi là Ban Sứ mệnh công nghệ hạ tầng (MITB) để phát triển xây dựng phần cứng giám sát máy tính và các mạng viễn thông và bảo đảm cơ sở hạ tầng cho hoạt động trơn tru.

TAO thậm chí còn thành lập đơn vị nhỏ thu thập thông tin tình báo bí mật gọi là Ban Chiến dịch công nghệ truy nhập (ATOB) bao gồm nhân lực được thuyên chuyển từ Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI).

Từ khi được thành lập vào năm 1997, TAO nổi tiếng cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho cộng đồng tình báo Mỹ không chỉ riêng về Trung Quốc mà còn về các nhóm khủng bố và các hoạt động gián điệp nước ngoài chống Mỹ, cũng như về các chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tình hình kinh tế trên toàn cầu.

Theo tiết lộ của một cựu quan chức NSA, vào năm 2007 TAO đã xâm nhập thành công hàng ngàn hệ thống máy tính nước ngoài, đọc lén email của nhiều mục tiêu trên khắp thế giới.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2009 về lịch sử phát triển của NSA - "The Secret Sentry" - của tác giả nhà báo Matthew Aid, chương trình đánh cắp dữ liệu của TAO vào thời gian đó được gọi là Stumpcursor và nó được đánh giá là cực kỳ quan trọng cho quân đội Mỹ ở Iraq.

Năm 2007, TAO cũng cung cấp cho chính quyền Mỹ nhiều thông tin quan trọng về chương trình hạt nhân của Iran. Mọi thông tin về TAO đều được xếp loại tuyệt mật, thậm chí "siêu nhạy cảm" bên trong NSA.

Trong những năm gần đây, các chiến dịch thu thập thông tin của TAO đã mở rộng từ Fort Meade đến một số trạm nghe lén quan trọng khác của NSA.

Hiện nay, các đơn vị nhỏ của TAO đang hoạt động trong các trung tâm nghe lén trực thuộc SIGINT của trạm NSA Hawaii ở đảo Oahu của Hawaii, trạm NSA Texas ở Medina Annex bên ngoài thành phố San Antonio và một trạm khổng lồ khác của NSA ở căn cứ không quân Buckley bên ngoài thành phố Denver thuộc bang Colorado.

Vấn đề là, TAO đang ngày càng lớn mạnh và chuyển giao quá nhiều thông tin tình báo có giá trị đến mức nó không thể được giấu kín như trước đây nữa