Dân Việt

Nông dân góp tiền làm nhà máy

04/03/2010 11:07 GMT+7
NTNN - Không chấp nhận bị tư thương ép giá thu mua mủ cao su, 8 ND xã Vinh Quang, TP Kon Tum đã góp tiền xây dựng nhà máy chế biến mủ.

img
Một góc nhà máy chế biến mủ cao su Vinh Quang

Năm 2001, xã Vinh Quang có gần 420ha cao su tiểu điền bà con trồng theo Chương trình 327 của Chính phủ. Đến năm 2004-2005, hàng chục ha cao su tiểu điền này bắt đầu cho thu hoạch, nhưng mủ tiêu thụ rất khó do tư thương ép giá, khiến nhiều ND chán nản không muốn đầu tư.

Từ ý tưởng “điên rồ”...

Gắn bó với cao su từ năm 1997, anh ND Nguyễn Thắng ấp ủ ý tưởng mà nhiều người ở Vinh Quang bảo là khá "điên rồ": Xây dựng một nhà máy chế biến mủ cao su. Ý tưởng ấy của anh ban đầu chỉ nhằm thu mua mủ cao su sát với giá thị trường, giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên trong xã.

Bất chấp mọi lời bàn tán, dị nghị, anh Thắng vận động gia đình cùng hỗ trợ về tinh thần lẫn kinh phí để thực hiện việc xây nhà máy. Được gia đình hậu thuẫn, anh nhiều lần tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cao su Tây Nguyên tại TP.Pleiku (Gia Lai), tỉnh Bình Dương, Đăk Lăk, Đăk Nông… nhờ các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn, chuyển giao công nghệ chế biến mủ cao su.

Trở về Kon Tum, anh vận động rồi bỏ tiền cho 4 thanh niên trong xã đi học cách thu mua mủ, phân loại và vận hành máy móc tại các nhà máy chế biến mủ cao su ở Chư Sê, Mang Yang, Chư Păh (Gia Lai)... Tuy nhiên, khi nguồn lao động đi "tập huấn tự túc" và "tài trợ nhỏ giọt" - theo cách ví von của ND Thắng, trở về, thì anh lại không thể đầu tư xây dựng nhà máy.

Đến xây nhà máy

Cuối năm 2004, anh Thắng rủ anh Phạm Ngọc Dự - cán bộ xã Vinh Quang vừa nghỉ công tác hợp tác xây nhà máy. Anh Dự đồng ý ngay. Hai người lên phương án, kế hoạch chi tiết, đồng thời vận động thêm 5 ND trong xã có điều kiện tài chính và khát vọng làm giàu cùng tham gia.

Quá trình thực hiện ý tưởng của nhóm ND này đã “cuốn hút” lão nông Trần An, người cùng xã tham gia. Không có tiền, ông An góp 4,1 sào đất. Giữa năm 2005, nhà máy chế biến mủ cao su "made in…. nông dân"  hình thành với vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng mà họ gom góp. Tất cả đều quán triệt quan điểm: Ai cũng phải có trách nhiệm cao với công việc của mình.

25  thanh niên trong xã là những công nhân đầu tiên được Ban chủ nhiệm nhà máy tuyển dụng vào làm việc. Anh Thắng cho biết, Ban chủ nhiệm nhà máy bố trí 4 thanh niên trước đây anh cử đi học phụ trách kỹ thuật, 4 công nhân chuyên lo thu mua sản phẩm, một bộ phận phụ trách tiêu thụ và còn lại là lao động trực tiếp đứng máy...

Mặc dù lương ban đầu chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng, nhưng họ đều  được nhà máy ký hợp đồng lao động dài hạn, đóng đầy đủ các chế độ bảo  hiểm xã hội…

Theo anh Thắng, ngay từ khi đi vào sản xuất giữa năm 2005 đến nay, nhà máy chế biến mủ cao su của ND xã Vinh Quang với công suất hơn 5.000 tấn mủ tươi/năm đã xuất gần 1.000 tấn mủ khô ra thị trường.  

Hiện, xã có hơn 3.000ha cao su tiểu điền vào thời kỳ khai thác nên lượng mủ thu mua của nhà máy không ngừng tăng lên. Ban chủ nhiệm  quyết định dành toàn bộ lợi tức trong năm 2009, khoảng gần 320 triệu đồng để tiếp tục đầu tư tái sản xuất, mở rộng nhà xưởng và quy mô của nhà máy lên 16 hồ đánh đông mủ, 3 lò sấy, 3 nhà phơi và 1 nhà xưởng trang bị đầy đủ máy móc chế biến mủ theo quy trình khép kín.