Đào đất lắp đặt hệ thống dây điện ở đập thuỷ điện Cửa Đạt. |
Thấy lo vì... đập hoàn thành
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung là hộ nghèo phải di dời từ xã Xuân Mĩ, cho biết: "Nhà tôi di cư lên khu Bảo Tồn ở xã Xuân Cẩm đến nay đã được 4 năm, giờ vẫn chưa ổn định được. Cả hai vợ chồng tôi đều chưa có công ăn việc làm, ruộng nương không có, lâu nay chỉ đi làm thuê công nhật tại công trường xây dựng nhà máy kiếm 50 nghìn đồng/ngày. Không biết rồi tới đây làm gì để mà sống, lấy gì cho con đi học. Cơ cực lắm cô ạ!".
Số tiền ít ỏi mà vợ chồng chị có được từ tiền đền bù thì đã dồn hết vào xây nhà, nên cũng chẳng còn tiền để đầu tư sản xuất. Giờ đập thuỷ điện cũng gần hoàn thành, lượng công nhân cũng cần ít đi. Do vậy, hiện nay tranh thủ những ngày đầu xuân chị Nhung và nhiều hộ dân khác đi bán lộc ở đền Cửa Đạt, mong kiếm dăm ba chục tiêu pha qua ngày.
Có mặt tại công trình đập Cửa Đạt vào giữa trưa, chúng tôi gặp hàng chục công nhân đang đào đắp để đặt đường ống dẫn dây điện.
Ông Lương Văn Phán cũng là hộ tái định cư ở xã Xuân Cẩm cho hay: "Nhà tôi có 4 nhân khẩu, vợ chồng tôi đều làm công nhân, tháng cũng kiếm được 2 - 3 triệu đồng. Lo cho 2 đứa đi học đại học, rồi chắt bóp lắm mới đủ sống. Tháng này hết việc có muốn kiếm vài trăm nghìn cũng khó".
Bản thân ông Phán và hàng trăm hộ dân trong vùng tái định cư mới luôn mong chính quyền có biện pháp hỗ trợ để bà con sớm có công việc ổn định cuộc sống.
Trăm đường khó
Công trình đập Cửa Đạt nằm trên địa bàn xã Xuân Cẩm và xã Vạn Xuân, sau khi quy hoạch thì hầu hết các hộ di dời đều được nhập vào khu Bảo Tồn (xã Xuân Cẩm) và khu tái định cư ở huyện Như Thanh.
Đa phần họ đều không có ruộng nương, phải đi làm thuê. Cái "được" lớn nhất mà họ có khi công trình đập Cửa Đạt xây dựng là được nhận làm công nhân thời vụ.
Trước đây, có tới 700 lao động của xã đi làm công nhân cho công trình đập Cửa Đạt nhưng nay chỉ còn gần 100 người. Đa phần họ là dân tái định cư. Do đó, trình thuỷ điện Cửa Đạt hoàn thành vô tình tạo áp lực về vấn nạn việc làm cho địa phương, làm tăng gánh nặng thêm cho huyện nghèo Như Thanh.
Để giúp người dân kiếm kế sinh nhai, UBND các xã đã khuyến khích công nhân mùa vụ sớm quay trở về nhà phát triển kinh tế gia đình, chăm lo ruộng vườn. Riêng với những hộ tái định cư sẽ được hỗ trợ để học nghề mây tre đan, đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản, dịch vụ du lịch ở lòng hồ.
Thế nhưng cách này cũng không ổn: "Cái khó nhất của xã chúng tôi là tâm lý của bà con không còn thiết tha với nghề nông nữa, chỉ muốn đi làm công nhật để lấy tiền ngay" - ông Hà Thanh Khang - Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm cho biết.
Thường Xuân là 1 trong 7 huyện nghèo của Thanh Hoá, do vậy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho bà con là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Xuân cho hay: "Năm nay huyện đặc biệt ưu tiên đầu tư dạy nghề cho các hộ dân tái định cư ở vùng lòng hồ Cửa Đạt để giúp họ có công ăn việc làm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, là huyện nghèo, bà con chủ yếu lại là người dân tộc, việc quản lý lao động đã vất vả trăm đường nói gì đến việc có thể giải quyết việc làm”.