Khai thác tinh hoa nhân loại để quảng bá rộng rãi trong nhân dân là công việc mà Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh đang tích cực hỗ trợ Dự án Tủ sách Tinh hoa tri thức Thế giới của NXB Tri thức.
- Phấn đấu với sự nghiệp quảng bá tri thức quả là nhọc nhằn, có phải như vậy không thưa ông?
- Dịch và xuất bản những cuốn sách có tính kinh điển trong kho tàng văn hoá, tri thức nhân loại hiện mỗi năm được khoảng 10 cuốn đã là khó. Mỗi cuốn phải bán được 3.000 bản mới chắc chắn có lãi, trong khi hiện nay in 2.000 bản phát hành cũng đã khó.
Đặt ra mục tiêu xây dựng tủ sách tinh hoa thế giới, đưa vào được các thư viện, trường học, các cơ quan, gia đình… trong bối cảnh hiện nay là khó. Nhưng không phải khó mà không làm!
- Liệu đã có dấu hiệu gì khả quan so với mấy năm trước?
- Để chuyển tải được các tác phẩm kinh điển, người dịch ngoài ngoại ngữ tốt cần phải có phông văn hoá sâu rộng và tiếng Việt phải thực sự tốt. Càng ngày chúng tôi càng thấy có tiềm năng về đội ngũ này. Hiện nay chúng tôi đã được chọn bản thảo và tác giả. Tuy nhiên, kinh phí vẫn là bài toán lớn, rất đau đầu!
Nếu chúng tôi có 3 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện việc này sẽ rất thuận lợi cho các khâu đào tạo, bồi dưỡng dịch giả, khai thác bản thảo, tổ chức xuất bản… Cũng như chúng ta sẽ sớm được tiếp cận những tác phẩm nổi tiếng của thế giới về triết học, khoa học xã hội và nhân văn, chính trị, kinh tế học, nhận thức luận khoa học…
Hiện chúng tôi đang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN. Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị với nhà nước về vấn đề này.
- In những cuốn sách “cao siêu”, “khó đọc” thì làm thế nào để đông đảo quần chúng tiếp nhận được?
- Bất cứ một nước văn minh nào cũng phải dịch các tác phẩm kinh điển từ nguyên bản. Ở đó truyền tải các giá trị phổ quát của văn hoá, văn minh, tri thức nhân loại. Những cuốn sách đó hết sức cần thiết và nếu có đội ngũ truyền tải được thì quả là hạnh phúc. Việc dịch các tác phẩm kinh điển làm giàu thêm ngôn ngữ, văn hoá đất nước.
Bên cạnh những cuốn “khó đọc” đó, chúng tôi còn khai thác, xây dựng tủ sách dẫn nhập với chức năng giải thích những cuốn kinh điển, và tủ sách tri thức mới là sự phát triển của nhận thức nhân loại. Có thể những cuốn này chưa thành kinh điển nhưng được dự đoán có khả năng sẽ trở thành kinh điển.
Tháng 4 này, chúng tôi sẽ khởi động tủ sách tri thức phổ thông. Bộ sách này khoảng vài trăm cuốn. Đó là từng bậc thang để công chúng dần tiếp cận.
- Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh chuẩn bị trao giải thưởng của năm 2010. Ông có thể cho biết một chút về giải năm nay?
- Hiện Hội đồng khoa học của quỹ đã làm việc xong và quyết định những gương mặt xứng đáng. Nhưng phải đến 15-3, danh sách các học giả, dịch giả được tặng thưởng mới được chuyển lên Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ là bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước để phê duyệt, và đến ngày họp báo 19-3 tại TP.HCM chúng tôi mới công bố được.
Chúng tôi làm đúng theo quy trình, một thành viên hội đồng hoặc một người được trao thưởng những năm trước giới thiệu ứng viên. Ban thư ký sẽ thu thập dữ liệu và lập hồ sơ cá nhân của từng giải thưởng. Sau đó có hai học giả phản biện độc lập. Hội đồng sẽ thống nhất và chuyển lên Chủ tịch phê duyệt. Năm nay hội đồng thống nhất cao về kết quả bầu chọn.
- Xin cảm ơn ông!