Dân Việt

“Con Kinh Bahnar”

08/03/2010 21:42 GMT+7
NTNN - 24 năm gắn bó với Tây Nguyên, thầy giáo Hữu Phong được đồng bào tặng cho cái tên “con Kinh Bahnar” , nghĩa là người Kinh con Bahnar.

img
Thầy Lê Hữu Phong giới thiệu cuốn tài liệu tiếng Bahnar do thầy biên soạn.
Năm 1987, tốt nghiệp ngành Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế, chàng trai Lê Hữu Phong (quê Mỹ Yên, Hưng Yên) lên Trường Tiểu học Kon Chiêng, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai nhận công tác. “Mình được phân công làm Hiệu trưởng, và giáo viên duy nhất cũng là… mình. Rừng núi hoang vu, cuộc sống người dân lam lũ. Mình không nghĩ sẽ trụ lại được ở đây” - thầy Phong kể.

Kho thóc nuôi trò

Đang lúc lo lắng nơi ăn chốn ở, thầy Phong may mắn được ông Mel- giáo viên thời Pháp thuộc cho ở nhờ nhà, nhận làm con nuôi và dạy tiếng Bahnar. Song việc học trò không đến trường vẫn là bài toán khiến thầy Phong đau đầu tìm lời giải.

Tìm nguyên nhân, mới biết phần vì nhà xa, phần không có nơi ở nên các em đành từ bỏ giấc mơ đến trường. Thầy Phong nảy ra sáng kiến: Lập kho thóc để nuôi học trò. Bí thư xã  Đinh Jet nghe thầy trình bày xong đã sốt sắng ủng hộ. Công việc suôn sẻ ngoài tưởng tượng. Tất cả các làng đều đồng ý mỗi tháng đóng góp một gùi lúa và thức ăn cho các em ở lại trường học. Vậy là ngôi trường nhanh chóng náo nhiệt tiếng học sinh…

Năm 1990, thầy Phong  chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường THCS Lơ Bang.  Cũng từ đấy, tỉ lệ học sinh của trường bỏ học giữa chừng giảm hẳn nhờ mô hình “kho thóc nuôi trò”. Thầy Phong nói: “Để có được thành công ấy, mình  như một người Bahnar: cũng ăn bốc, uống rượu cần cho đến say nghiêng ngả”.

Đưa cồng chiêng vào trường học

Những năm “cắm bản”, cùng ăn cùng ở với dân làng, sinh hoạt với cộng đồng Bahnar, thầy Phong có dịp tìm hiểu những giá trị văn hoá quý giá của dân tộc này. Điều làm thầy băn khoăn là những vốn quý đó đang mai một nhanh chóng. Lớp trẻ háo hức tiếp xúc với văn hóa mới và xa rời bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Năm 2003, thầy Phong được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang. Ở đây, thầy có điều kiện thực hiện ý tưởng đưa cồng chiêng và lễ hội dân gian vào chương trình ngoại khóa cho học sinh. Ban đầu một số giáo viên trong trường phản đối, cho đó là chuyện “ôm rơm rặm bụng”. Nghe thầy kiên trì giải thích, dần dần họ cũng đã hiểu ra…

Hàng tuần, vào chiều thứ Bảy, thầy Phong vào làng mượn cồng chiêng cho các em luyện tập. Thấy các em biểu diễn vẫn chưa ổn, thầy xuống huyện Krông Pa để mời nghệ nhân Nay Phai về truyền nghề… Đến nay trường đã xây dựng được đội cồng chiêng gồm 17 nam biểu diễn cồng chiêng và 20 nữ múa xoang…

Ngoài đưa cồng chiêng vào trường học, thầy Phong còn đưa các trò chơi dân gian, câu đố, hát đối đáp của dân tộc Bahnar vào các giờ chơi, sinh hoạt ngoại khoá hoặc vận dụng trực tiếp vào bài giảng, giúp học sinh tiếp thu văn hóa mới đồng thời hiểu sâu hơn bản sắc riêng của dân tộc mình.

Năm 2007 thầy Phong đã cho xuất bản cuốn “Từ vựng đối chiếu Việt – Bahnar và Bahnar – Việt” dày 715 trang. Năm 2009, thầy tiếp tục biên soạn và in cuốn “Tài liệu tiếng Bahnar” dành cho các giảng viên, cán bộ và sinh viên học tiếng Bahnar và “Luật tục và lễ hội” được hoàn thành. Đây là những công trình thầy Phong ấp ủ từ những ngày công tác ở  miền đất Kon Chiêng nghèo khó.