Kênh nội đồng cạn nước. |
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ông Đặng Văn Nam cũng như nhiều người dân khác ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) mất ăn, mất ngủ luân phiên trực bơm vét nước từ kênh nội đồng vào ruộng.
Theo ông
Theo ông Huỳnh Văn Rành - Chủ tịch UBND xã Đồng Thạnh, hiện một số tuyến kênh trên địa bàn xã đã cạn. Xã đang khảo sát, nắm số diện tích thiếu nước và có kế hoạch bơm tạo nguồn cho dân.
"Tỉnh đã cấp cho xã 50 triệu đồng để làm thủy lợi nội đồng, bơm nước từ kênh trục vào kênh sườn nhằm đảm bảo cho vụ lúa đông xuân này đạt thắng lợi", ông Rành cho biết.
Theo ngành nông nghiệp Tiền Giang, vụ này toàn tỉnh gieo cấy hơn 82.000ha lúa đông xuân; trong đó có hơn 30.000ha lúa ở các huyện phía Đông đang ở giai đoạn làm đòng và trổ. Điều đáng nói là do vụ mùa này xuống giống chậm hơn mọi năm, nhưng hiện nước mặn (2 gam/lít) đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông 40km nên việc chống hạn, mặn cứu lúa là vấn đề bức thiết.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, hiện nay có hơn 6.000ha lúa và hàng nghìn ha hoa màu ở các huyện phía Tây của tỉnh có nguy cơ giảm năng suất vì thiếu nguồn nước ngọt…
Huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nhiều nhất Tiền Giang, đặc biệt là các khu vực ven sông Tra, sông Tiền, ven đê biển Gò Công nguồn nước ngọt hiện nay rất khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây cho biết, năm nay do né rầy nên nông dân xuống giống chậm hơn hàng năm khoảng 10 ngày. Do đó nhiều diện tích bị thiếu nước hạn, huyện sẽ trích kinh phí hỗ trợ cho dân chống hạn, chủ yếu cho việc bơm tạo nguồn. Nếu hạn, mặn kéo dài rất cần Trung ương, tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí.
Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Hiện chúng tôi đang vận động các địa phương trong tỉnh đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng, sử dụng nguồn thủy lợi phí để bơm tát, hạn chế tối đa tình trạng lúa chết hoặc giảm năng suất vì thiếu nước ngọt".