Dân Việt

Dở khóc dở cười vì thả rông "đầu cơ nghiệp"

08/03/2010 21:11 GMT+7
NTNN - Dù "con trâu là đầu cơ nghiệp", nhưng tại nhiều địa phương ở miền núi Quảng Bình vẫn phổ biến tình trạng thả rông trong rừng. Với tập quán này, nhiều chuyện "cười ra nước mắt"... đã xảy ra.

img
Trâu bò ở một số địa phương miền núi Quảng Bình chủ yếu nuôi theo lối thả rông.

Kiện nhau vì trâu, bò

Người dân xã miền núi Xuân Trạch (Bố Trạch) vẫn chưa hết xôn xao chuyện gia đình anh Nguyễn Tài ở thôn 2 và Nguyễn Tùng ở thôn 1 đâm đơn ra tòa kiện nhau để tranh giành một con nghé.

Chuyện chỉ vì 2 gia đình đều có trâu mẹ thả rông lâu ngày trong rừng, nhưng chỉ có một con nghé được sinh ra mà nhà nào cũng nhận con nghé đó là của mình. Không ai chịu ai, cuối cùng họ đâm đơn kiện nhau. Tòa án huyện xử sơ thẩm, họ không chịu, tiếp tục phúc thẩm ở tỉnh. Phần thắng thuộc về ai chưa rõ, nhưng tình làng nghĩa xóm không còn và cả 2 gia đình tốn kém không ít tiền bạc để đi hầu kiện.

Rất nhiều lần, lãnh đạo 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa đã phải ngồi lại với nhau họp giải quyết việc trâu, bò... thả rông. Do suốt một thời gian rất dài, người dân các xã Thanh Hóa, Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) thả  trâu, bò ở vùng rừng của xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa).

Người dân xã Trọng Hóa trồng được cây gì cũng bị đàn trâu, bò phá hết, nên cái đói cứ bám riết. Canh giữ nương rẫy không xuể, người dân xã này không biết bao lần đem đơn lên huyện kiện "trâu, bò" của xã Thanh Hóa và Lâm Hóa. Lãnh đạo 2 huyện đã phải đau đầu để tìm cách giải quyết vấn đề nan giải này.

Nhưng, đến tận bây giờ, sự việc vẫn đâu lại vào đấy, đàn trâu, bò thả rông của 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa  vẫn cứ phá hoại mùa màng của người dân xã Trọng Hóa...

img
Người dân nhiều huyện miền núi Quảng Bình thờ ơ với "đầu cơ nghiệp".

Mới đây, trên đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua đèo Đá Đẻo (xã Xuân Trạch) xảy ra một vụ TNGT mà nạn nhân là 2 con bò bị ôtô tải cán chết. Khi ấy, người dân xã Xuân Trạch đổ xô lên rừng tìm bò, nhà nào tìm không ra thì đích thị là bò của mình đã bị xe đâm...

Tai họa khó lường

Những ngày đầu năm Canh Dần, người dân thôn Bồng Lai (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch) ăn Tết không ngon vì hơn 80 con trâu trong thôn lăn ra chết. Nguyên nhân được xác định là do dịch bệnh tụ huyết trùng cấp tính.

Theo Trạm thú y huyện Bố Trạch, hàng năm tỷ lệ tiêm phòng trên đàn trâu bò của xã cao nhất cũng chỉ khoảng 60% do tập quán  thả rông trong rừng.

Do trâu, bò của thôn thả rông trong rừng nên tỷ lệ tiêm vaccin phòng bệnh trên trâu, bò ở đây rất thấp, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh rất khó dập.

Ở các xã Xuân Trạch, Lâm Trạch (Bố Trạch), Trường Xuân (Quảng Ninh)... năm nào cũng xảy ra dịch bệnh trên trâu, bò. Tính ra năm 2009, gần 200 con trâu bò ở xã Xuân Trạch bị chết do mắc bệnh LMLM. Đợt dịch đó, khó khăn lắm cơ quan thú y mới dập được ổ dịch.

Theo lãnh đạo các địa phương này thì mặc dù chính quyền, Hội ND sở tại đã rất tích cực vận động người dân bỏ lối chăn nuôi "gửi trời" để thực hiện hình thức nuôi nhốt, nhưng vẫn chưa hề có chuyển biến.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàn - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, xã có 2.290 hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò với hơn 3.000 con, đa số đều thả rông trong rừng. Theo ông Hoàn, với lối chăn nuôi này nên địa phương rất khó kiểm soát và tỷ lệ tiêm phòng bệnh cho trâu, bò ở địa phương năm nào cũng rất thấp, năm cao nhất chỉ đạt 60%, trong khi đội ngũ cán bộ thú y được đào tạo khá bài bản, xã chỉ đạo quyết liệt...