Dân Việt

Nguy cơ đóng cửa nhiều trại nuôi

08/03/2010 21:27 GMT+7
NTNN - Trong vòng hơn ba tháng, giá cám nuôi heo của các công ty nước ngoài đã tăng bảy lần, giá trị tăng hơn 30.000 đồng mỗi bao, trong khi giá bán thịt heo vẫn dao động ở giá thấp khiến các hộ chăn nuôi lâm vào khó khăn.

img
Gía sản phẩm quá thấp, nhiều người chăn nuôi đang tính đóng cửa trại.

Đã chăn nuôi heo hơn 25 năm, áp dụng thành công chăn nuôi heo theo quy mô công nghiệp cho trang trại với hàng ngàn heo nái tại Đồng Nai, ông Nguyễn Chí Công - chủ trang trại chăn nuôi heo Trí Công giờ than vãn: “Tôi định mở rộng trang trại 25.000 heo nái theo quy mô công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng, nhưng giá nguyên liệu cứ tăng còn thịt heo giá vẫn thấp, nản quá”.

Tại ĐBSCL, đa số các hộ nuôi heo với số lượng 10-20 nái, giá thịt heo cũng chỉ dừng lại ở mức 28.000-30.0000 đ/kg. Hầu hết những hộ nuôi 5-10 con đều bị lỗ vì giá cả đầu vào đều tăng. Ai nuôi lên đến hàng trăm con mới có khả năng hòa vốn.

“Tình hình này, sẽ có nhiều hộ không nuôi heo nữa” - một chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại Kiên Giang cho biết. “Nếu giá thức ăn chăn nuôi tăng, chúng tôi chỉ muốn giá mỗi kg thịt cũng tăng tương ứng. Nhưng giờ đây mọi khó khăn chỉ đánh vào người chăn nuôi”.

Theo một số hộ chăn nuôi công nghiệp tại Đồng Nai, nếu giá cám heo cứ tăng đều đều như hiện nay, 3 năm nữa ngành chăn nuôi sẽ đóng cửa và nhập khẩu thịt do chi phí sản xuất tăng quá cao, trong bối cảnh thuế nhập khẩu thịt giảm mạnh bởi lộ trình cam kết WTO.

Theo Cục Chăn nuôi, trong chi phí để sản xuất mỗi kg thịt heo, thức ăn và thuốc, dịch vụ thú y chiếm 70-76% giá trị.

Hàng năm Việt Nam phải chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Nhà nước có thể điều chỉnh quy hoạch vùng lúa, vùng ngô để có nguyên liệu ổn định dùng cho chăn nuôi, thay vì nhập khẩu, hạn chế tác động của sự tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi” - giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài đề nghị.

Tuy nhiên, trước mắt, để có nguồn vốn hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi trong nước, hiện nay như thành thông lệ, cứ đến dịp Tết tại Hà Nội, TP.HCM... đều triển khai chương trình cho vay vốn hỗ trợ lãi suất bằng 0% cho các công ty thương mại, hệ thống siêu thị nhằm kiềm chế sự tăng giá đột biến trong thời điểm trước và sau Tết.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn này có thể chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi để đạt quy mô công nghiệp, nâng cao sản lượng, chất lượng giống, thịt...

Hiện nay, các công ty chăn nuôi nước ngoài vừa sản xuất thức ăn, vừa mở rộng mô hình liên kết chăn nuôi heo quy mô công nghiệp. Điều này đang trở thành thách thức cạnh tranh sống còn cho các nhà chăn nuôi trong nước.

Để đoàn kết và hỗ trợ nhau phát triển, tháng 6 tới, Hiệp hội Chăn nuôi phía Nam sẽ ra mắt. Một trong những lĩnh vực các hội viên cam kết hợp tác là liên kết nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu với số lượng lớn, từ đó chia ra theo nhu cầu của từng hội viên. Việc này, phần nào giúp giá thành nguyên liệu rẻ và ổn định hơn.