Doanh nghiệp được cung cấp số lượng, chất lượng lúa đúng yêu cầu. Thương lái mua hàng theo hợp đồng không sợ lỗ do biến động thị trường. Nông dân bán được lúa với giá gốc. Sáng kiến mang lợi cho cả 3 bên nói trên do Công ty Lương thực Sông Hậu phối hợp với Hội Nông dân, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và Liên minh HTX TP.Cần Thơ đang chuẩn bị triển khai thực hiện.
Phương thức thu mua mới!
Theo cách thu mua truyền thống, thương lái thu gom lúa trong dân bán cho các doanh nghiệp chế biến – gia công, sau đó các đơn vị này bán gạo lại cho công ty xuất khẩu.
Do đó, giá mua từ công ty đến nông dân bị “méo mó” trong khi gạo giao cho công ty không đồng đều, số lượng không đảm bảo và không chủ động được kế hoạch kinh doanh…
Theo sáng kiến thu mua mới, các đơn vị thu mua, bạn hàng xáo sẽ được xem là một “nhân tố” của công ty, ký hợp đồng với số lượng, chất lượng, giá cả minh bạch. Phía công ty ra giá mua, thương lái – bạn hàng xáo chỉ việc thu mua đúng, đủ và theo đúng giá mua đã ấn định trước.
Ông Lê Văn Trượng - Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu cho biết: Chúng tôi đã tiến hành ký biên bản thỏa thuận, cam kết giữa các xí nghiệp thu mua trực thuộc với các đơn vị gia công - bạn hàng xáo làm ăn lâu năm với công ty.
Trên cơ sở thỏa thuận này, chúng tôi sẽ có đội ngũ thu mua gồm hơn 100 bạn hàng xáo và đơn vị xay xát gia công, tỏa mạng lưới thu mua lúa gạo rộng khắp các vùng sản xuất lúa của thành phố, với số lượng mua ổn định, đảm bảo giá cả, đúng tiến độ kế hoạch và đạt hiệu quả cao!”.
Theo kế hoạch, với năng lực sản xuất trên 300.000 tấn gạo xuất khẩu/năm, ngay trong lần đầu tiên triển khai thí điểm mô hình liên kết này, Công ty Lương thực Sông Hậu sẽ giao chỉ tiêu thu mua khoảng 90.000 tấn gạo.
Bà Ngô Hồng Yến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết thêm: “Một biên bản thỏa thuận hợp tác chặt chẽ, có sự tham dự của công ty, đơn vị xay xát gia công, thương lái – bạn hàng xáo và các hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn tham gia… đây là khởi đầu thuận lợi để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về liên kết – tiêu thụ nông sản cho nông dân!”.
Nói về cách làm này, ông Nguyễn Văn Đời - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ, đại diện cho hàng chục ngàn nông dân sản xuất lúa gạo trên địa bàn, nhận xét: “Đây là khởi đầu hay, giúp cho tiến độ tiêu thụ lúa gạo trong nông dân đạt hiệu quả cao hơn. Tôi đánh giá rất cao đề xuất này và sẽ cùng các ngành chức năng, các cấp Hội ở địa phương có biện pháp phối hợp, hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa trong dân!”.
Lợi cả ba bên!
Anh Cao Văn Nam, một bạn hàng xáo hơn 10 năm trong nghề ở huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) cho biết: Đa số thương lái phải chọn phương án mua “an toàn” cho mình, bằng cách đưa giá thấp hơn từ 100 – 300 đồng/kg so với giá thực để… phòng rủi ro!
Với cách làm mới này, công ty sẽ “bảo đảm” giá bằng hợp đồng và áp dụng chính sách giá “linh hoạt” cho thương lái. Ví dụ, khi giá lên, công ty sẽ tăng giá thu mua tương ứng với số lúa – gạo thương lái chở về giao tại Cảng. Ngược lại, nếu trong quá trình thu mua mà giá rớt, công ty sẽ thông báo điều chỉnh lại giá cho số lượng còn lại đảm bảo chủ ghe, bạn hàng xáo và đối tác không bị lỗ.
Anh
Song song với cách triển khai hệ thống thu mua mới này, ông Lê Văn Trượng - Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, khẳng định: Phía công ty cũng sẽ tiến hành ký hợp đồng lao động, trả lương hàng tháng đối với thương lái – bạn hàng xáo làm ăn lâu năm, đảm bảo uy tín và thực hiện đúng cam kết mua lúa trong dân đúng giá, đúng chất lượng…
Còn các đối tác xay xát – gia công, kho tạm trữ… công ty sẽ ký hợp đồng hợp tác để chia sẻ kho bãi, chia sẻ vốn đầu tư và lợi nhuận như một đơn vị trực thuộc công ty. Ông Trượng khẳng định: “Khi đó, bạn hàng xáo cũng là người của công ty. Nhà máy xay xát gia công cũng là bộ phận của công ty. Bà con nông dân sẽ yên tâm về hạt lúa của mình làm ra bán đúng giá, đúng công ty xuất khẩu mà không bị chèn ép!”.