Những hình thức cờ bạc ở các trường học thế này đẩy sinh viên vướng vào các đường dây cho vay nặng lãi. |
101 kiểu vay "nóng"!
Theo khảo sát của NTNN, số sinh viên các trường ĐH, CĐ, TCCN đóng trên địa bàn Đà Nẵng dính vào vay nặng lãi có đến hàng trăm. Hình thức vay tiền của các em không khác gì kiểu vay "nóng" ngoài xã hội, nghĩa là phải trả lãi 20 - 30%/tháng.
Có đủ lí do để các em trở thành… con nợ, như thiếu tiền đóng học phí, ham mê bài bạc, game, tình phí… Ngoài ra, một số SV vay nặng lãi với mục đích được xem là chính đáng: Kinh doanh. "Các đối tượng bên ngoài trường nhúng tay vào xúi giục SV để cho vay nặng lãi đã tồn tại khá lâu.
Tuy nhiên các em vay tiền một cách lén lút, ngầm cho nhau biết qua những cái "rỉ tai" nên nhà trường, các lực lượng chức năng không hề hay biết"- Thầy Đoàn Anh Tuấn-Trưởng phòng Công tác HS-SV trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ.
Em N.H.H, Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng (quê Quảng Trị) cho biết, do xa gia đình, thi thoảng bố mẹ gửi tiền vào trễ nên không có tiền chi tiêu cho ăn uống, mua tài liệu, thuê nhà trọ… Lúc đầu H chỉ định hỏi vay bạn bè, nhưng vay mãi cũng ngại nên thông qua một người bạn học cùng trường tên V.V.L, H vay tiền của người bên ngoài.
Từ đó trở đi, hễ H hoặc bạn nào có nhu cầu, chỉ cần để lại chứng minh thư, thẻ SV và viết tay giấy nợ là được cho vay ngay. Nếu vay dưới 1 triệu đồng thì phải trả góp hàng ngày còn vay từ 1 triệu trở lên sẽ trả lãi theo tháng, vốn giữ nguyên.
Còn với H.T.A (SV Trường ĐH Kinh tế-Đà Nẵng) thì đến với vay mượn do nghiện cờ bạc, thêm khoản “tình phí” cho mối tình SV mà A trót "vương" ngay từ năm nhất. Chàng SV này cho biết, hiện đang vay 1 triệu đồng, mỗi ngày trả 40 ngàn tiền lãi.
Hôm nào không trả đủ là bị hăm doạ liền, lãi nhập thành vốn. Mỗi ngày, cứ đến giờ tan học là phải nộp tiền lãi, có khi giao trực tiếp cho chủ ngồi đợi ngoài quán cà phê gần trường, hoặc giao qua một số bạn là "môi giới" của chủ cho vay. A tâm sự: "Nhiều thứ như: Xe đạp, đồng hồ, máy tính… của em lần lượt ra đi mà vẫn không thể trả hết nợ.
Chủ nhà kiêm... chủ nợ
V.L.L chỉ mới là SV năm 3 (lớp QTKD-ĐH Kinh tế) nhưng trông đã như một người trên 30 tuổi. L suốt ngày “mài đũng quần” ở quán internet, và đang phải ôm tiền nợ 10,4 triệu đồng, mỗi ngày đóng lãi 94 ngàn đồng.
Tiền gia đình gửi vào L chỉ đủ "nướng" cho game và trả lãi. Hiện, L phải nợ môn, tiền học phí cũng chưa nộp được, phải sống bám theo đám bạn xấu để tìm đủ cách "moi" tiền: Từ cắp vặt, lừa gạt đến cướp giật.
Không chỉ ở nam sinh, nhiều nữ sinh cũng không tránh khỏi túng thiếu, rồi vướng vào nợ nần. Trang "quậy", SV khoa Du lịch-ĐH Duy Tân là một ví dụ. Các khoản chi phí cho những chuyến đi du lịch thực tế, áo quần, mĩ phẩm… khiến lúc nào Trang cũng túng thiếu.
Chơi thân với mấy bạn nam, rồi được chỉ dẫn để vay tiền, Trang thành con nợ. Có điều, Trang không đến mức phải nghỉ học mà đã có giải pháp kiếm tiền khác: trở thành gái nhậu thuê thứ thiệt…
Được biết, xung quanh các trường ĐH, CĐ, TCCN… chủ nhà trọ chính là đầu mối cho vay nặng lãi của cánh SV.
Bà N - chủ dãy nhà trọ đường Phan Thanh, ngoài cho thuê một dãy 9 phòng, bà còn mở rộng cách kiếm tiền bằng việc cho SV thuê tại đó vay tiền thu lãi hàng ngày. "Cái chuôi" mà bà nắm giữ là mọi giấy tờ liên quan đến bản thân của người tạm trú nên chẳng SV nào dám… lủi.
Tại Trường ĐHSP Thái Nguyên vừa ghi nhận một vụ tự tử tại khu trọ để trốn nợ. Nạn nhân là một SV lớp K43, Khoa Địa lý, quê ở Hà Quảng, Cao Bằng.
Được biết, trường này cũng có nhiều SV nợ gốc và lãi lên đến hàng trăm triệu đồng. Điển hình là trường hợp SV Nguyễn Thị Minh H học thứ 3, Khoa Hóa.
Do muốn giúp đỡ cô bạn cùng quê đang trong cảnh khó khăn nên H đã thế chấp thẻ SV cho một hiệu cầm đồ để vay 25 triệu đồng. Sau mấy tháng, số tiền chủ nợ ép H phải trả đã lên đến 175 triệu đồng! Bố của H đã phải chạy vạy khắp nơi vay tiền rồi lặn lội từ thị xã Cao Bằng xuống Thái Nguyên để thỏa thuận trả nợ cho con gái nhưng bất thành.
Theo nhiều SV Trường ĐHSP Thái Nguyên, tình trạng SV cần tiền đến vay tiệm cầm đồ mà chỉ cần thế chấp thẻ SV giờ quá phổ biến. Có những lớp có đến 80% SV cả nam và nữ đang vay nặng lãi.