Dân Việt

Sân chơi bổ ích cho nông dân

15/03/2010 08:25 GMT+7
NTNN - TTheo ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng Ban tổ chức, giải bóng đá Nông dân toàn quốc 2010 - Cúp VFA sẽ góp phần khơi dậy phong trào rèn luyện thể thao trong nông dân cả nước.

img
Các thành viên Ban chỉ đạo và Ban tổ chức giải họp bàn cuối tuần qua tại Hà Nội.

Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14-10-1930 - 14-10-2010) và các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010, được sự đồng ý của T.Ư Hội NDVN và Bộ VH-TT&DL; báo Nông thôn Ngày nay, Tổng cục TDTT và LĐBĐ Việt Nam phối hợp tổ chức Giải bóng đá Nông dân toàn quốc 2010 - Báo Nông thôn Ngày nay - Cúp VFA.

Sân chơi cho nông dân

Theo ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay,  Trưởng Ban tổ chức giải, đây là một hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội NDVN và các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010, góp phần khơi dậy phong trào rèn luyện thể thao trong nông dân cả nước.

Ngay từ tháng 9-2009, báo Nông thôn Ngày nay và các cơ quan phối hợp tổ chức đã liên tục có những cuộc làm việc để sớm hoàn thành kế hoạch tổ chức giải.

“Dù là giải đấu của nông dân nhưng chúng tôi xác định phải tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp để có thể duy trì thành giải truyền thống trong những năm tiếp theo. Nếu điều kiện cho phép, chúng ta có thể mời thêm các đội bóng trong khu vực ASEAN làm thành giải đấu cho nông dân cấp khu vực” - ông Lưu Quang Định cho biết.

Với yêu cầu đó, ngay đầu tháng 11-2009, kế hoạch chi tiết về công tác tổ chức giải đã được báo và Tổng cục TDTT ban hành và được gửi đến Hội Nông dân, Sở VH-TT&DL 63 tỉnh, thành để các địa phương sớm có kế hoạch chuẩn bị tham dự giải.

Ông Trần Đức Thọ - Trưởng phòng Thể thao cho mọi người (Vụ Thể thao quần chúng, Tổng cục TDTT) cho biết: Khi xây dựng kế hoạch tổ chức giải, chúng tôi phải tính toán rất kỹ đối tượng tham dự. Đây là sân chơi của nông dân, được tổ chức từ cơ sở lên nên thành viên dự giải phải là nông dân đang sinh sống, lao động sản xuất tại địa phương. Điều này sẽ tạo ra sân chơi công bằng, trung thực và thực sự bổ ích cho nông dân.

Đánh giá về công tác chuẩn bị, ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN, Phó Trưởng ban Chỉ đạo giải, cho rằng:  “Chưa có giải phong trào nào quy mô lại lớn như giải này. Nếu tổ chức tốt, đây thật sự là điều đáng mừng. Vui, hiệu quả,  bổ ích và công bằng, đấy phải là mục tiêu cao nhất của giải”.

Địa phương và nhà tài trợ đều hào hứng

Trước khi đăng ký tham gia giải đấu, băn khoăn lớn nhất của các địa phương là kinh phí tham gia tổ chức giải. Là giải đấu phong trào nên điều kiện đầu tư cho  các đội khá chật vật. Lo chỗ ăn, ở, thi đấu cho các vận động viên không phải là chuyện đơn giản.

Thêm vào đó, do không có kinh nghiệm tổ chức, kinh nghiệm thi đấu nên nhiều địa phương tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, vướng mắc dần dần được tháo gỡ khi Ban tổ chức có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho từng địa phương.

Theo báo cáo của Ban tổ chức giải, tính đến cuối tháng 2-2010 đã có 33 địa phương có phong trào bóng đá nông dân mạnh đăng ký tham dự giải. Vòng loại dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8-2010. Vòng chung kết dự kiến tổ chức từ ngày 15 đến 25-9-2010 tại Long An, quy tụ 7 đội bóng đứng đầu các các bảng vòng loại và đội chủ nhà Long An.

Bên cạnh sự tham gia của 33 đội bóng, sự nhiệt tình hưởng ứng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) với vai trò là nhà tài trợ chính cho giải cũng giúp Ban tổ chức an tâm phần nào trong việc tổ chức giải.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Đây là lần đầu tiên Hiệp hội chúng tôi tài trợ cho một giải thể thao, nhưng chúng tôi tin giải sẽ thành công, nông dân cả nước sẽ có một sân chơi bổ ích. Đây cũng là hoạt động thiết thực của Hiệp hội, nếu giải tổ chức tốt chúng tôi sẵn sàng đăng cai tài trợ tiếp trong các lần tổ chức sau”.

Tổ chức chặt chẽ và nghiêm túc

Để chuẩn bị cho công tác khai mạc giải, cuối tuần qua, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức giải đã có cuộc họp tại Hà Nội nhằm thống nhất những nội dung chuẩn bị cho giai đoạn nước rút.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng: Chưa có giải bóng đá phong trào nào mà công tác chuẩn bị được tiến hành cẩn trọng như giải đấu lần này. Vấn đề còn lại là chúng ta phải tổ chức cho thật vui, thật hiệu quả, công bằng để tìm được ra những đội bóng đích thực có phong trào, có quyết tâm.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại và chống tiêu cực ở các đội bóng. Việc sớm thành lập các Tiểu ban giúp việc cho Ban tổ chức giải, trong đó công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, chống tiêu cực cần được đặc biệt quan tâm.

Tán đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái - Phó Ban chỉ đạo giải đã đánh giá cao quá trình chuẩn bị của BTC giải trong thời gian qua.

Thứ trưởng cũng yêu cầu cần xây dựng thật kỹ  và ban hành sớm Điều lệ của giải, phân công trách nhiệm rõ ràng các thành viên Ban tổ chức,  làm rõ trách nhiệm giữa Ban tổ chức T.Ư và Ban tổ chức địa phương.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng ủng hộ đề xuất của Tổng Biên tập báo NTNN về việc xây dựng giải đấu này thành giải truyền thống dành riêng cho nông dân. “Nếu năm nay tổ chức thành công, Bộ VH-TT&DL sẵn sàng ủng hộ đưa giải trở thành giải truyền thống, thậm chí nâng tầm thành giải khu vực như kiến nghị của Ban tổ chức” - Thứ trưởng nói.

Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo giải, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lê Hoàng Minh yêu cầu: “Việc có tới 33 đội bóng tham dự giải đã là một thành công của giải đấu.  Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan trong công tác tổ chức.

Ngay trong tháng 3, Ban tổ chức phải thành lập ngay các Tiểu ban giúp việc; Hoàn thành Điều lệ trình Ban chỉ đạo xem xét để sớm ban hành ngay trong tháng 3.  Trong Điều lệ, dù vẫn tôn trọng nghiêm chỉnh các quy định của giải đấu thể thao tuy nhiên cũng cần mềm hóa một số quy định đối với bóng đá phong trào của nông dân.

Đối với thời gian thi đấu vòng loại cũng cần cân nhắc cụ thể để tranh trung lắp thời gian và cũng không nên kéo quá dài thời gian chuẩn bị khiến các đội bóng khó gom quân khi chuẩn bị khi lọt vào vòng chung kết. Đặc biệt việc sử dụng kinh phí tài trợ phải công khai, khách quan và dân chủ để những năm sau, các đội hào hứng tham gia giải đấu.

Ngoài ra, công tác an ninh, tuyên truyền về giải cũng cần được tổ chức bài bản để thu hút nông dân đến tham gia và cổ vũ cho giải nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giải.

 33 đội tham dự

Trên cơ sở 33 đội bóng tham dự và căn cứ địa lý từng khu vực, Ban tổ chức dự kiến phân 32 đội bóng (Long An - chủ nhà VCK được miễn vòng loại) làm 6 bảng đấu loại như sau:

- Bảng 1, do Thái Nguyên làm bảng trưởng, gồm các đội:  Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La, Hưng Yên,  Lạng Sơn, Nghệ An.

- Bảng 2, do Quảng Ngãi làm bảng trưởng, gồm các đội: Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên.

- Bảng 3, do Đăk Lăk làm bảng trưởng gồm các đội: Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận.

- Bảng 4, do Đồng Nai làm bảng trưởng, gồm: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh.

- Bảng 5, do Tiền Giang làm bảng trưởng, gồm: Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

- Bảng 6, do An Giang làm bảng trưởng, gồm: An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.