Đi tìm nguyên nhân
Sau nhiều năm cố gắng, anh Nguyễn Thanh Hoá cũng tìm được một việc ở Hà Nội. Tuy nhiên, Hoá chỉ là viên chức bình thường nên để trang trải cuộc sống, Hoá phải làm thêm nhiều việc. Công việc nhiều dĩ nhiên áp lực lớn, dẫn đến mất ngủ liên tục.
Hoá kể: "Tôi liên tục bị mất ngủ vì những lý do rất vớ vẩn rằng, vì sao người ta làm ít mà giàu thế, mình loay hoay làm đủ mọi việc mà tiền kiếm chẳng bao nhiêu... Cứ nghĩ thế trắng đêm là chuyện thường.
Đến cơ quan, người như mất hồn, tôi bị sếp nhắc nhở. Sợ mất việc, về nhà cứ 10 - 11h đêm là tôi uống 1 viên thuốc an thần để tìm giấc ngủ. Ngày đầu tiên, thuốc có tác dụng. Tôi ngủ li bì, không biết trời đất là gì. Sau quen thuốc, tôi ngủ ít hơn.Và, bây giờ, tôi không dám dùng nữa vì uống vào cũng không ngủ được, lại càng khó chịu trong người".
Hoá phân trần: "Người ta bảo tôi bị công thuốc, nhưng bác sỹ thì cho rằng, tôi bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc gây ra..."!
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Khoa - Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế giải thích: Giới trẻ hiện nay mất ngủ phần lớn do sức ép của công việc và vấn đề mưu sinh. Mất ngủ vì bệnh lý ở độ tuổi này không nhiều, trừ trường hợp những người có bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, chưa phát ra.
Mất ngủ có nhiều loại: Tạm thời, bình thường và kinh niên. Mất ngủ kinh niên là do có rối loạn trong cơ thể như có bệnh nội khoa, trầm cảm..., báo hiệu trong người có một số bệnh tiềm ẩn có nguy cơ trở thành bệnh như: GERD, trầm cảm hô hấp, xương khớp...
Trước đây, người dân thường dùng các loại thảo dược theo kinh nghiệm dân gian để gây ngủ như: lạc tiên, tâm sen, trinh nữ, lá vông nem, Rotunda (củ Bình vôi)... Nhưng bây giờ, do nhịp sống nhanh, giới trẻ thường dùng thuốc gây ngủ theo kiểu ra hiệu thuốc kể bệnh, tự uống, tự tăng liều...
Như thế là rất nguy hiểm cho sức khoẻ, càng làm cho việc mất ngủ trầm trọng hơn, đặc biệt có nguy cơ nghiện thuốc bởi đặc trưng của thuốc an thần là giải lo, gây ngủ và nghiện.
Lạm dụng dễ dẫn đến tâm thần
Hiện nay, thuốc an thần được bán ở bất kỳ hiệu thuốc nào. Anh Nguyễn Đức Thắng, đến nhờ bác sỹ tư vấn vì dùng nhiều thuốc nhưng vẫn không ngủ được, lấy vợ đã 2 năm mà chưa sinh con.
Bác sỹ Phạm Hồng Hạnh - Bệnh viện E phân tích: Lạm dụng thuốc an thần gây ngủ dẫn đến những giấc ngủ "cưỡng ép". Từ đó, những vấn đề về thần kinh - tâm thần xuất hiện ngày một nhiều.
Thuốc gây ngủ rất nguy hiểm đối với những người mắc các chứng bệnh tâm thần, hô hấp hay tim mạch bởi nó có thể ức chế trung tâm hô hấp... Đối với người khỏe mạnh khi dùng lâu gây quen, nhờn thuốc dẫn đến phải tăng liều và tác dụng phụ của nó là gây nghiện.
Dùng thuốc gây ngủ quá lâu có thể dẫn đến chứng trầm cảm, hoang tưởng nguy cơ tự tử cao. Ngoài ra, lạm dụng thuốc còn gây hại thai, gây dị dạng cho thai nhi, gây sốc phản vệ hoặc các triệu chứng dị ứng khác.
Tác dụng phụ thường gặp là các rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, căng thẳng sau chấn thương, các rối loạn nhân cách, rối loạn chức năng sinh dục (như mất hứng thú, mất kinh ở nữ, rối loạn phóng tinh ở nam giới) và tụt huyết áp...
Bác sỹ Hạnh khẳng định, nếu người phụ nữ có tiền sử sử dụng thuốc an thần, nếu các xét nghiệm sản khoa cho thấy bình thường thì mới có thể sinh con được. Nhưng với điều kiện, người vợ không được uống thuốc an thần quá liều, người chồng không dùng thuốc an thần trong từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu người vợ hoặc chồng có những hạn chế về chất lượng tinh trùng, noãn... mà dùng nhiều thuốc an thần thì dễ dẫn đến vô sinh.