Dân Việt

Cán bộ xã “ăn” tiền của người chết

15/03/2010 08:42 GMT+7
NTNN - Hàng tháng, Văn Hữu Năm - nguyên cán bộ chính sách xã Thường Thắng, Hiệp Hoà, Bắc Giang vẫn tạm ứng tiền để chiếm đoạt, hoặc trả một phần cho thân nhân của người đã chết.

Viện KSND tỉnh Bắc Giang vừa tống đạt cáo trạng truy tố Văn Hữu Năm - nguyên cán bộ chính sách xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hoà về các tội: "Tham ô tài sản"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ông Văn Hữu Tứ - nguyên Chủ tịch UBND xã Thường Thắng (SN 1957, anh trai ông Năm) cũng bị truy tố về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 

Chiếm đoạt 480 triệu đồng

Từ tháng 1-1990 đến tháng 12-2006, các đối tượng là thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp ưu đãi xã hội nhưng đã chết và các đối tượng có tên trong danh sách nhưng vắng mặt trên địa bàn xã Trường Thắng, không được Văn Hữu Năm làm thủ tục báo giảm và đề nghị thôi chi trả trợ cấp theo quy định với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Hoà, mà hàng tháng vẫn tạm ứng tiền để chiếm đoạt, hoặc trả một phần cho thân nhân của họ rồi làm thủ tục quyết toán.

Theo đó, Năm đã “ăn” tiền của 37 trường hợp. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Nội ở thôn Hồng Phong là thương binh 4/4, đã chết từ tháng 7-1998 nhưng các khoản tiền trợ cấp Năm vẫn lĩnh.

Đến tháng 6- 2006, vị cán bộ chính sách này mới báo cắt và chiếm đoạt hơn 17 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Mai mặc dù không có mặt ở địa phương vẫn hưởng chế độ tuất của liệt sỹ trên sổ chi trả của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cống (thôn Hồng Phong), xuất hiện trên danh sách chi trả từ tháng 1-1998 (tháng 7-2006 thì cắt).

Số tiền Năm lĩnh và chiếm đoạt ở trường hợp này gần 16 triệu đồng… Thông qua 37 trường hợp nhận chi trả tiền trợ cấp hàng tháng, lập hồ sơ hưởng tiền trợ cấp một lần và mai táng phí, Năm đã chiếm đoạt gần 480 triệu đồng.

"Lỗ hổng" chính quyền

Sau khi chiếm đoạt số tiền chế độ chính sách trong thời gian hơn 8 năm, sợ bị phát hiện, từ năm 2005 đến cuối năm 2006, Năm đã lần lượt làm thủ tục cắt giảm, rồi tự đi mua các loại biểu mẫu như giấy chứng tử về viết nội dung, tự ký xác nhận vào các mục và lấy dấu UBND xã Thường Thắng đóng vào. Hoàn thiện hồ sơ, Năm nộp lên phòng LĐ-TB&XH làm thủ tục đề nghị sở ra quyết định trợ cấp. Sau khi cấp trên ra quyết định, Năm tự làm giả giấy uỷ quyền, đưa cho Văn Hữu Tứ - Chủ tịch UBND xã ký để đi nhận tiền.

Đầu năm 2000, ông Văn Hữu Tứ - Chủ tịch UBND xã Thường Thắng, ký hợp đồng trách nhiệm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Hoà và uỷ quyền cho em trai là Văn Hữu Năm chi trả cho các đối tượng thuộc diện chính sách.

Do  tin tưởng em mình, ông Tứ đã ký vào các văn bản, thủ tục do Năm làm mà không đối chiếu, kiểm tra chặt chẽ. Từ đó, Năm dễ dàng qua mắt các cơ quan chức năng khác để tham ô tiền nhà nước, ăn chặn tiền chính sách của nhiều người dân.

Hành vi thiếu trách nhiệm của ông Tứ gây thiệt hại cho nhà nước hơn 243 triệu đồng. Trước nhiệm kỳ của ông Tứ, nhiều cán bộ xã cũng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, không kiểm tra việc chi trả tiền chính sách, gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Trong thời gian thực hiện hợp đồng với xã Thường Thắng, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Hòa đã không kiểm tra công tác chi trả nên không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của Văn Hữu Năm.

Cơ quan này đã làm các thủ tục ứng tiền và duyệt quyết toán trong thời gian dài để Tứ chiếm đoạt tiền chính sách. Vụ việc vỡ lở đầu năm 2008, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ hành vi của Văn Hữu Năm.

Đây là bài học cảnh báo việc quản lý lỏng lẻo các khoản trợ cấp cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, để kẻ xấu có cơ hội chiếm đoạt hưởng lợi.