Dân Việt

Cưỡi "cá mập" Trường Sa

16/03/2010 08:44 GMT+7
NTNN - Những năm qua, bộ đội trên quần đảo Trường Sa đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo, trong đó có hệ thống xuồng cao tốc CQ - được mệnh danh là "cá mập biển Đông".

img
Xuồng cao tốc CQ.

Lướt trong sóng dữ

Hải trình ra Trường Sa của chúng tôi bị cơn áp thấp níu chân lại 1 tuần nên Trưởng đoàn Nguyễn Viết Thuân khi làm việc với điểm B đảo Thuyền Chài đã giao nhiệm vụ: "Lệnh cho chỉ huy đảo hạ xuồng CQ xuống và gọi 1 chiếc nữa của bên điểm Thuyền Chài A sang để 2 chiếc đưa đoàn về điểm A".

Những chiếc áo phao thuộc biên chế của xuồng đã được chúng tôi nai nịt gọn gàng vậy mà Trung tá Nguyễn Tiến Dịch - người mỗi năm có đến 6 tháng sống trên biển vẫn nhắc nhở:  "Đề nghị các phóng viên đưa đồ nghề tác nghiệp vào bao bảo quản, buộc chặt và mặc áo phao cẩn thận phòng khi bị hất xuống biển lúc xuồng lướt sóng".

Khi những vị khách đã yên vị, chiếc xuồng  quay đầu lao vút đi. Nhìn những con sóng cao tới 1,5m đang cuồn cuộn chạy ngược về mũi  xuồng báo hiệu một trận nước phủ lên người, Đoàn trưởng Thuân trấn an: "Các đồng chí cứ yên tâm đi, xuồng được thiết kế có thể chui vào trong sóng mà vẫn chạy được". Chiếc đồng hồ tốc độ báo chúng tôi đang chạy với vận tốc 26,6 hải lý/giờ.

Ngồi trên xuồng xuyên qua sóng mà êm như trong xe hơi đời mới, thiếu tá Đỗ Văn Nhuần - người phụ trách kỹ thuật của  lữ 146 cho biết: "Chúng ta đang cưỡi  trên một cỗ máy hoàn hảo. Thân tàu được làm hoàn toàn bằng vật liệu composit, có độ nổi cao và chịu được sức va đập lớn".

Ngoài sức mạnh về khí động học  thì xuồng CQ còn được trang bị thiết bị thông tin liên lạc hiện đại. Đây là loại xuồng được nhà máy của lực lượng Hải quân chế tạo để phục vụ quần đảo Trường Sa.

img
Xuồng cao tốc CQ có thể chạy xuyên qua sóng.

Nâng cao sức chiến đấu

Theo thiếu tá Đỗ Văn Nhuần, kinh phí mua xuồng là nghĩa tình của nhân dân cả nước trao tặng bộ đội Trường Sa, chứ không phải sử dụng ngân sách của Quân chủng Hải quân.

Nói về chuyện tiện lợi khi được lướt sóng cùng xuồng CQ, thiếu tá Nguyễn Văn Vĩnh nhớ  lại: "Năm 2007 đoàn chúng tôi cũng đi từ điểm B sang điểm A Thuyền Chài, trời nắng như đổ lửa mà anh em cứ phải chịu trận lắc lư trên xuồng chuyển tải nhiều giờ, nhưng nay nhờ cưỡi “cá mập” chỉ mất chưa đến 1 giờ".

Còn thượng tá Nguyễn Viết Thuân cho biết, từ khi đưa xuồng CQ vào biên chế chiến đấu  đã đẩy đuổi được hàng trăm lượt tàu nước ngoài xâm nhập vào khu vực quần đảo Trường Sa.

Trước kia xuồng công tác của ta  khó có khả năng bám đuổi tàu nước ngoài, vì những tàu xâm phạm đều sử dụng máy công suất lớn, nhưng bây giờ thì mọi cuộc truy đuổi đều thành công, những tàu xâm phạm bị đẩy lùi. 

Và cũng nhờ tính cơ động mà bộ đội Trường Sa đã tổ chức cứu hộ hàng chục lần cho ngư dân nước ta gặp nạn khi đánh bắt ở khu vực này. Nhờ có xuồng CQ, chúng tôi đã kết thúc được chuyến công tác sớm hơn 3 ngày so với dự kiến.

Trưởng đoàn Thuân bắt tay chúng tôi nói: "Anh em về thông qua báo chí nói giúp chúng tôi với nhân dân cả nước là quà đồng bào tặng luôn được chúng tôi giữ tốt dùng bền, đảm bảo thuận lợi cho nhân dân và chiến sĩ Trường Sa đi lại và công tác".