Dân Việt

Cần đẩy mạnh công tác an ninh trường học

16/03/2010 13:04 GMT+7
NTNN - Để giải quyết vấn nạn sinh viên vay nặng lãi, TS. Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV, Bộ GD&ĐT cho rằng cần đẩy mạnh công tác an ninh trường học.

img
Để SV tránh được các cạm bẫy cần có sự  chung tay của nhiều người, nhiều tổ chức.

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng tệ nạn xã hội - trong đó có nạn vay nặng lãi đang bủa vây trường học?

- Hiện nay trường học đang chịu tác động không nhỏ của các tên nạn tiêu cực ngoài xã hội. Đó là nơi tập trung HS-SV học tập và sinh sống nên các tệ nạn xã hội cũng có cơ hội phát triển, sẵn sàng tấn công vào HS-SV nếu như không có biện pháp quyết liệt để phòng chống, ngăn chặn.

Hiện nay, có một số “nguồn” của tệ nạn xã hội đang bủa vây xung quanh trường học đó là sự phát triển mạnh mẽ của các quán hàng dịch vụ điện tử, cầm đồ… xung quanh trường học và nơi có đông SV ngoại trú.

- Theo ông đâu là nguyên nhân khiến SV sa “bẫy”?

- Một số HS-SV, tiêu xài quá mức hoàn cảnh kinh tế cho phép dẫn đến mắc vào nạn lô đề, cờ bạc, cá độ, ma tuý, vi phạm pháp luật như lừa đảo, trộm cắp, cướp giật rồi vay nặng lãi như báo NTNN phản ánh…

Một số chủ hiệu cầm đồ biết được SV con nhà khá giả sa đà vào rượu chè cờ bạc nên sẵn sàng cho SV vay tiền triệu với lãi suất cắt cổ (chỉ yêu cầu cầm cố thẻ SV, chứng minh thư) dẫn đến SV không có khả năng chi trả phải nhờ gia đình giải quyết hoặc bỏ học để trốn nợ.

Theo TS. Ngũ Duy Anh, trong năm vừa qua, Vụ Công tác HS-SV đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến việc đảm bảo an ninh trường học như Thông tư Hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trường học trong các cơ sở giáo dục, ban hành quy chế HS-SV ngoại trú … Trong thời gian tới, Vụ sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các văn bản tại các cơ sở giáo dục.

- Việc kiểm soát và ngăn chặn hiện tượng này ở các trường đang vấp phải khó khăn gì?

- Chúng ta đang rất thiếu KTX cho HS-SV (mới chỉ có gần 20% SV có nhu cầu được ở KTX), và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục toàn diện cho HS-SV. Hầu hết HS-SV chỉ có nửa ngày học tập, rèn luyện tại trường còn lại là sống cùng gia đình và ngoài xã hội nên có lúc không kiểm soát hết được hành vi của các em ở ngoài nhà trường. 

Mặt khác, một số gia đình buông lỏng quản lý, giáo dục con cái cộng với những tiêu cực ngoài xã hội, gây nên nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc quản lý HS-SV. Ý thức sống và làm việc theo pháp luật của người dân nói chung chưa cao.

Trong khi sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ về công nghệ thông tin mang theo những mặt trái tiêu cực đã tác động không nhỏ đến tâm lý, tình cảm của HS-SV. Việc xử lý các vi phạm pháp luật còn chưa triệt để, chưa đủ sức răn đe.

- Theo ông, có thể áp dụng giải pháp nào để ngăn chặn tệ nạn xã hội tác động tới HS-SV?

- Để ngăn chặn tệ nạn xã hội trong HS-SV, phải có sự phối hợp, triển khai đồng bộ từ phía nhà trường, gia đình và xã hội.

Các nhà trường phải đổi mới các phương pháp giáo dục lối sống cho SV ở cả chính khoá lẫn ngoại khoá. Tăng cường các hoạt động văn hoá thể thao tại mỗi cơ sở trường học. Chủ động phối hợp kiểm tra, kiến nghị với địa phương, các cơ quan công an trong việc kiểm tra, giải toả các quán hàng xung quanh trường học, KTX nếu thấy có biểu hiện phức tạp về an ninh trật tự. Phối hợp chặt chẽ với gia đình HS-SV nhất là những em có biểu hiện chưa ngoan.

Về phía các gia đình cũng phải liên hệ chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con cái, không nên phó mặc con em mình cho nhà trường và xã hội. Các cơ quan chức năng tại địa phương phải đẩy mạnh công tác quản lý các dịch vụ xung quanh trường học và khu vực ngoại trú.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Thanh Chương -Trưởng phòng Công tác HSSV (trường ĐH Giao thông Vận tải): Không thể quản lý hết

Việc SV, đặc biệt là SV ngoại trú sa vào những cạm bẫy của việc cầm đồ, vay nặng lãi tại trường tôi là có. Nhưng quả thật chúng tôi không thể quản lý hết được. Thứ nhất là số lượng SV quá đông, cán bộ, nhân viên nhà trường không thể giám sát từng em được. Mặt khác, chúng tôi có thấy trường hợp SV bỏ học nhưng không thể xác nhận có phải do nguyên nhân vay nặng lãi hay không vì các em và gia đình đều giấu nhà trường.

Còn việc phối hợp với lực lượng an ninh tại địa phương, chúng tôi vẫn làm hàng năm nhưng hiện nay hệ thống văn bản quy định về vấn đề này còn chưa rõ ràng và thiếu rất nhiều. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho các em những thông tin cảnh báo về các vấn nạn đó trong các buổi sinh hoạt chính trị đầu năm học để các em tự bảo vệ mình.

Ông Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Thanh niên Trường học (T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh): Phải tạo môi trường sống lành mạnh

Trong chương trình hành động hàng năm, Đoàn Thanh niên vẫn phối hợp với Bộ GD&ĐT để phòng chống các tệ nạn trong trường học. Chúng tôi chỉ đạo Đoàn của các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tạo môi trường lành mạnh cho SV. Đoàn cũng đang hướng tới việc làm tốt công tác tư vấn, tạo hành trang kiến thức và kỹ năng trước khi bước vào ĐH-CĐ cho SV, đặc biệt là SV từ nông thôn lên học.

Ông Bùi Xuân Thành - Phó phòng Công tác Chính trị HS-SV (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Buộc SV viết cam kết

Ở trường tôi, ngay từ đầu khoá, các em đã phải viết cam kết, trong đó có những điều khoản về việc tránh vay nặng lãi. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên giữ liên lạc với lực lượng an ninh, khu phố nơi các em tạm trú để quản lý tốt hơn và kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực.