Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chưa đánh thuế đối với nhà ở. |
Đề nghị bỏ nhà ở khỏi diện chịu thuế
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, lý do đề nghị bỏ nhà ở ra khỏi diện chịu thuế là: "Việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm này chưa thực sự tạo sự đồng thuận trong nhân dân".
Ba lý do còn lại là: Nền kinh tế chưa thực sự ổn định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà sẽ tác động nhất định đến một bộ phận người dân; việc tổ chức thực thi luật có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện đảm bảo thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ; số tiền thu từ thuế nhà cho ngân sách nhà nước ước tính không lớn, trong đó chi phí cho công tác này lại không nhỏ.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc không đưa nhà vào diện chịu thuế với mục đích chính là coi trọng sự ổn định lòng dân, chứ không thể chỉ nghiêng về thu thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng phân tích: Giá trị của phần lớn nhà ở không lớn. Hơn nữa, vì không đánh thuế vào nội thất trong nhà mà chỉ đánh vào giá trị xây dựng nên thuế thu được càng nhỏ. Còn về tác dụng hạn chế đầu cơ nhà đất của dự luật này, ông Ninh cho rằng, hiện nay đầu cơ chính là đất chứ không phải là đầu cơ nhà.
Chưa thống nhất thu thuế đất lấn chiếm
Sau khi đề nghị bỏ thuế nhà, Ủy ban TCNS đề nghị sửa đổi tên gọi của dự luật thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để phản ánh đúng nội dung.
Một trong những nội dung được tập trung tranh luận là diện tích đất tính thuế. Theo Dự luật, diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cho rằng, quy định diện tích chịu thuế căn cứ này chưa bao quát hết các trường hợp trên thực tế.
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm nhà, đất vẫn đang xảy ra và phần diện tích này không nằm trong phần diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung đất lấn chiếm vào diện thu thuế, với mức thuế suất 0,15%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, việc thu thuế đối với phần diện tích lấn chiếm là hợp lý, đây là một biện pháp để hạn chế lấn chiếm. Tuy nhiên, để quy định đi vào cuộc sống, cần thêm thời gian để nghiên cứu đưa ra các quy định cụ thể hơn, vì diện tích đất lấn chiếm cũng có nhiều loại. Có trường hợp do khi cấp Giấy chứng nhận, cơ quan chính quyền không sát thực tế, cấp cả phần lấn chiếm, có trường hợp lại cấp ít hơn diện tích thực…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đồng tình cho rằng, đất bị lấn chiếm rất khó có thể thu hồi được ngay nên phải thu thuế, và "thu không có nghĩa thừa nhận" đất lấn chiếm là hợp pháp.
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng và một số đại biểu khác cho rằng, nếu thu thuế và thu cao hơn là ngang nhiên thừa nhận đất lấn chiếm. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, đất bị lấn chiếm không chỉ là lỗi của dân mà có lỗi của cả cơ quan nhà nước. Và không thể thu thuế diện tích đất này dựa trên cơ sở pháp lý không minh bạch như vậy.
Về mức thuế suất đối với đất, dự thảo trình phương án thu 0,03% đối với diện tích đất ở trong hạn mức; 0,06% đối với phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức. Đối với phần diện tích trên 3 lần hạn mức thì thuế suất là 0,09%.
Dự kiến thu thuế môi trường đối với thuốc bảo vệ thực vật
Theo dự thảo, 5 nhóm sản phẩm phải chịu thuế là: Xăng dầu các loại; than; chất làm lạnh chứa hydrocloflocarbon (dung dịch HCFC), túi nhựa xốp (nilon) và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Người nộp thuế là người sử dụng nhưng thu qua nhà sản xuất. Mức thu thuế được quy định theo từng khung cho từng nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng 5 nhóm sản phẩm trên vẫn chưa phản ánh được hết các sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng khi triển khai việc thu thuế môi trường sẽ có sự chồng chéo đối với phí môi trường.