Nếu không được hỗ trợ về công nghệ sản xuất và đầu ra sản phẩm, nhiều diêm dân có nguy cơ bỏ nghề. |
Ông Lê Tấn Bán - chuyên gia ngành muối, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Muối Việt Nam nói như vậy khi trả lời phỏng vấn NTNN.
Muối nội có thể thay muối ngoại
- Thưa ông, một đất nước có điều kiện, tiềm năng sản xuất muối như VN (có hơn 3.200km bờ biển), lại phải thường xuyên nhập khẩu muối. Nghịch lý này cần giải thích như thế nào?
- Tôi biết thời gian qua, dư luận rất bức xúc về việc chúng ta cho nhập khẩu muối trong khi đời sống diêm dân đang rất khó khăn, giá muối trong nước xuống thấp, không tiêu thụ được.
Việc nhập khẩu muối không phải bây giờ mới xảy ra, thực ra cứ chu kỳ 4 - 5 năm doanh nghiệp (DN) lại phải nhập khẩu. Có lần họp với Chính phủ tôi đã chỉ rõ nguyên nhân do cơ chế điều hoà muối từ Bắc vào Nam và ngược lại của chúng ta còn yếu.
Cụ thể, sản xuất muối trong nước mang đặc điểm là có nơi mất mùa, nơi trúng mùa, trong đó nơi trúng mùa giá thấp, còn nơi mất mùa giá rất cao. Để điều hoà cái này, chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ nhằm vận chuyển muối nơi trúng mùa tới nơi mất mùa.
Tuy nhiên, chúng ta không thực hiện được vì chi phí vận chuyển cao, mặt khác việc sử dụng muối ở từng khu vực lại có đặc điểm khác nhau.
Ví dụ muối Bạc Liêu có màu sẫm, khi mang ra miền Trung, miền Bắc chắc chắn không ai mua. Đó cũng là một trong những nguyên nhân buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu muối nước ngoài.
- Vậy còn nguyên nhân chất lượng muối trong nước kém nên phải nhập khẩu thì sao? Thực chất muối sản xuất trong nước có thể thay thế được muối ngoại không?
- Tôi nghĩ là có. Trong tổng số muối nhập khẩu khoảng 280.000 tấn hàng năm, tôi nhớ Công ty Vedan nhập khoảng 100.000 tấn; Công ty Hoá chất miền Nam nhập 50.000 tấn... Nếu các DN nhiệt tâm tiêu thụ muối trong nước thì vẫn sử dụng và thay thế được muối ngoại.
Thế nhưng, có thể DN vì quyền lợi, vì lợi ích cục bộ nên vẫn quyết tâm nhập khẩu muối ngoại. Lý do họ đưa ra là sợ sử dụng muối trong nước sẽ làm hư hỏng máy móc, làm ảnh hưởng sản phẩm. Tôi không đồng tình quan điểm này, tôi cho rằng muối trong nước vẫn có thể thay thế được muối ngoại.
- Thưa ông, DN nhập khẩu muối có thể vì chạy theo lợi ích của họ, còn các cơ quan quản lý sao không kiểm soát điều này?
- Tôi nghĩ đổ cho nhập muối ngoại để giết chết diêm dân cũng không hẳn đúng. DN bao giờ cũng phải hướng đến lợi ích, lợi nhuận, nên khó trách họ.
Điều quan trọng nhất, nhà nước phải điều phối, điều tiết một cách cân bằng giữa lợi ích của các nhóm đối tượng, ở đây là lợi ích của DN và diêm dân phải cân bằng nhau.
Một quyết định dù có lợi cho DN nhưng ảnh hưởng đến phần lớn diêm dân cũng phải hết sức cẩn trọng.
Đối xử công bằng với muối nội
- Việc nhập khẩu muối, đứng về khía cạnh xã hội theo ông ảnh hưởng như thế nào đến diêm dân?
- Tất nhiên là có ảnh hưởng. Nhưng như tôi đã nói, việc nhập khẩu muối chúng ta không thể trách các DN. Nhập khẩu muối chỉ là vấn đề nhỏ trong tổng thể phát triển của ngành muối.
Muối là mặt hàng quan trọng, chiến lược, ở khía cạnh nào đó không thua kém lúa gạo, cà phê, vậy vì sao chúng ta đối xử với muối tệ như vậy? Tại sao hàng năm chúng ta bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để mua tạm trữ, mua lúa giá sàn; mua tạm trữ cho cà phê, điều... mà không tổ chức mua tạm trữ muối, mua giá sàn với giá 800 đồng/kg cho diêm dân?
Với sản lượng muối như hiện nay, chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ đồng mỗi năm sẽ giải quyết được vấn đề này. Chúng ta cần đối xử công bằng với hạt muối. Nếu thực hiện được, lúc đó chắc chắn vấn đề nhập khẩu muối ngoại không ai quan tâm.
- Thưa ông, vì sao các bộ, ngành không có chính sách cho hạt muối như hạt gạo?
- Anh hỏi điều này nói thật tôi không trả lời được. Khi còn làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Muối tôi đã trình rất nhiều phương án lên Bộ NN&PTNT, trong đó có phương án cho Tổng công ty được mua tạm trữ cho diêm muối, mua theo giá sàn. Nhưng tất cả đều không được thông qua.
Còn nữa, trước khi về hưu, tôi cũng có đề xuất với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (lúc này, Tổng công ty Muối đã sáp nhập vào- PV) xuất cấp 300 tỷ đồng mua muối dự trữ cho dân. Số tiền đó có thể mua khoảng 70% số lượng muối hàng năm.
Với 30% muối còn lại do các DN tư nhân quản lý sẽ bán hết chỉ khoảng 2-3 tháng, lúc đó muối của Tổng công ty Lương thực miền Bắc có thể bán ra với giá có lãi.
Số lãi này, một mặt đầu tư cho DN, mặt khác đầu tư lại cho diêm dân, nghĩa là chúng ta có thể lấy muối nuôi muối. Rất tiếc những điều tôi đưa ra, họ đều không nghe.
Cần làm rõ việc đầu tư ngành muối
- Về lâu dài, theo ông cần phải cơ cấu ngành muối như thế nào để diêm dân có thể sống được với hạt muối? Chẳng hạn, nhiều địa phương đang có kế hoạch sản xuất muối chất lượng cao?
- Hàng năm, Bộ NN&PTNT có phân bổ ngân sách, kinh phí đầu tư cho các đồng muối trên toàn quốc để cải tạo, nâng cao chất lượng muối. Thế nhưng, đầu tư đến đâu, hiệu quả ra sao Bộ NN&PTNT, cụ thể là Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối mới biết được. Tại sao có đầu tư mà dân vẫn sản xuất muối chất lượng thấp để đến nỗi DN phải nhập khẩu muối ngoại? Cái này cần phải làm rõ.
- Thực tế, vẫn có nhiều địa phương sản xuất được muối chất lượng cao, xuất khẩu ra nước ngoài như ở Thanh Hoá...? Ở đây có khúc mắc gì không, thưa ông?
- Nếu lấy Thanh Hoá làm điểm sáng cũng không có cơ sở vì thực chất mỗi tháng họ chỉ xuất khẩu vài ngàn tấn. Quan trọng nhất là làm thế nào để diêm dân sản xuất muối theo một quy trình công nghệ, khoa học.
Tại nhiều địa phương, hiện nay, việc sản xuất, thu hoạch muối hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công, đời cha làm thế nào đến đời con vẫn như thế. Nếu làm vậy, cuộc sống diêm dân làm sao khá lên.
- Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có cơ chế chính sách hỗ trợ diêm dân, nguy cơ họ bỏ nghề là hiện hữu?
- Đúng. Hiện nay diêm dân sản xuất không có định hướng của các ngành chức năng. Cách đây 2 năm người ta bỏ tôm làm muối; rồi bây giờ phá ruộng muối làm tôm hoặc nuôi cá kèo.
Điều này, Bộ NN&PTNT cùng UBND các địa phương phải có chỉ đạo giải quyết ngay và đặc biệt phải có hướng hỗ trợ đầu ra cho diêm dân. Nếu không làm được, việc diêm dân bỏ muối cũng là điều dễ hiểu.
- Xin cảm ơn ông!