Dân Việt

Chân dung thiếu nữ "tra tấn" bạn

17/03/2010 09:28 GMT+7
NTNN - Trong clip "Nữ sinh tra tấn bạn ở vườn hoa Pasteur", Phạm Tường Vy là người ra tay dữ dằn nhất. Vì sao cô gái đang tuổi mộng mơ này lại có hành vi côn đồ, hung hăng đến vậy?

img
Phạm Tường Vy tại một  điểm nhảy hiphop ở  Hà Nội năm 2009 .

Cô đơn giữa đời

Phạm Tường Vy có hộ khẩu thường trú tại ngách 68, đường Đê Tô Hoàng, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng. Bố mẹ ly thân đã được mấy năm, Vy theo mẹ là bà Phạm Thu Huyền về sống tại ngách 1/2 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Thiếu sự chăm sóc dạy bảo của cha, ngay từ năm 2008, Vy thường dạt nhà đi bụi, kết bạn với đám trẻ hư cũng bỏ học như mình. Bởi thế, hầu hết người dân ở nơi 2 mẹ con trú ngụ đều không biết Vy là ai. Họ chỉ biết đến cô khi hành động côn đồ trong clip nói trên bị báo chí, dư luận lên án.

Bà Hảo, bán nước ở ngách 1/2 cho hay: “Sau khi báo chí đưa tin, tôi cũng tò mò muốn biết Vy là người như thế nào nhưng chịu vì không gặp cô này bao giờ cả”.

Theo tìm hiểu của PV, ngay từ lúc bố mẹ chưa ly thân, Vy đã "sống trong sợ hãi" bởi những bất hoà giữa bố mẹ. Để "tránh bão", Vy thường lánh xuống nhà bà ngoại ở ngõ 79 đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Hàng xóm của bà ngoại Vy nói, họ nhiều lần thấy cô giữa đêm hôm xuống gọi cửa bà ngoại để ngủ nhờ.

Ông Nguyễn Văn Tước - hàng xóm với bà ngoại Vy cho hay: Thực ra tôi cũng không biết Vy là người như thế nào vì hầu như trong ngõ này chưa ai nói chuyện với Vy.

Sau khi clip tai tiếng được tung lên mạng, Vy lẩn tránh dư luận và bạn bè. Cô không dám về nhà người quen mà ở trong các nhà nghỉ tại khu vực đền Lừ (Hoàng Mai).

Vết trượt buồn

Đó là nhận định của cô giáo Nguyễn Thị Huyền - chủ nhiệm lớp 8A7 trường THCS Tô Hoàng - Hà Nội, nơi Phạm Tường Vy theo học trước kia.

Cô Huyền nói: "Năm lớp 7 Vy bị đúp nên  chuyển vào lớp tôi chủ nhiệm. Mẹ Vy có đến làm cam kết sẽ kèm cặp cháu, không để các thầy cô phiền lòng. Trong thời gian làm chủ nhiệm, tôi thấy Vy là học sinh thông minh, tiếp thu nhanh, hơi cá tính.

Tuy nhiên, chưa bao giờ Vy có biểu hiện hỗn láo và giờ văn tôi dạy, Vy học rất hăng hái, hay giơ tay phát biểu. Thực ra, lớp tôi có nhiều cháu cá tính chứ không chỉ mình em Vy. Hết lớp 7, Vy xếp loại học tập trung bình, hạnh kiểm khá.

Theo tôi, việc xếp loại học lực trung bình là do gia đình không quan tâm. Khi  tôi hỏi, Vy bảo em ở với bà. Nhiều lần tôi muốn gặp mẹ Vy nhưng em chỉ nói mẹ không có nhà. Tới năm lớp 8, Vy có xích mích với các bạn trong lớp. Chuyện ấy cũng không phải chỉ một mình Vy. Tuy nhiên, chẳng bao giờ Vy đánh nhau trong trường.

Từ năm lớp 8 Vy đã đi học thất thường. Tôi hỏi Vy không nói, chỉ nghe loáng thoáng là do hoàn cảnh gia đình. Tôi chỉ nghe kể lại chứ không được gặp bố mẹ Vy. Tôi có khuyên em nếu xác định muốn học thì nên học cho cẩn thận".

Theo cô giáo Huyền, trong nhà trường bao giờ cũng dạy điều hay lẽ phải, việc hình thành tính cách của học sinh còn phụ thuộc vào từng giai đoạn, phụ thuộc vào tác động của gia đình và xã hội... “Tôi cho là Vy chán không muốn học nữa nên trong thời gian học lớp 8 đã tự ý bỏ. Nhà trường không hề đuổi Vy" - cô Huyền nói.’

 Đại tá Nguyễn Đức Chung - Trưởng phòng PC14 Công an Hà Nội: Cho các em cơ hội sửa sai

Trao đổi với PV NTNN, Đại tá Nguyễn Đức Chung - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an Hà Nội cho biết, cơ quan công an xác định vụ việc có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích. Hành vi này thực hiện có tổ chức.

CQĐT đang xem xét, xử lý những đối tượng liên quan. Tuy nhiên, việc xử lý sẽ trên tinh thần răn đe, giáo dục là chính, để các em nhận thức được sai lầm và có cơ hội sửa chữa.

Về hành vi làm nhục người khác, kết quả điều tra đến nay cho thấy các em không có chủ đích làm nhục bạn, việc tải clip lên mạng chỉ là hành động bột phát, do không nhận thức hết hậu quả. Khi thấy cư dân mạng phản ứng dữ dội, người đăng tải clip trên đã vội gỡ xuống.

Đại tá Nguyễn Đức Chung cho rằng, vụ việc này cho thấy gia đình, nhà trường quản lý học sinh chưa tốt, lơ là. Việc để cho các em chưa đủ tuổi thành niên tự do sử dụng điện thoại di động, tự do vào internet cũng cần xem xét lại. Bởi, nhiều trang web có nội dung độc hại, không tốt cho việc hình thành nhân cách các em.

"Cơ quan điều tra sẽ sớm có văn bản kiến nghị với Sở Giáo dục & Đào tạo về những vấn đề đặt ra từ vụ việc này", Đại tá Chung cho biết.