Ăn xin tại Hội Lim 2010. |
Toàn “bệnh kinh niên”
Báo cáo của Thanh tra Bộ VH-TT&DL hôm 16-3 về kết quả kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội trước và sau Tết tại một số tỉnh phía Bắc cho thấy, vẫn còn rất nhiều tồn tại có tính chất "truyền thống" và "lưu cữu" qua nhiều năm.
Đó đều là những vấn nạn mà báo chí đã phản ánh và lên án thời gian qua. Ngoài vấn đề ô nhiễm, ách tắc, "lạm phát" đốt vàng mã, "loạn giá", thiếu minh bạch trong quản lý tiền công đức... thì đáng lo ngại là vấn đề an ninh. Hàng loạt vụ trộm cắp, móc túi xảy ra ở Phủ Tây Hồ (hơn 60 vụ), Đền Trần, Chợ Viềng - Nam Định (hơn 30 vụ), Đền Bà Chúa Kho (hơn 20 vụ)…
Nguyên do một phần là lực lượng thanh kiểm tra thường xuyên tại một số địa phương còn quá mỏng, không đủ tương xứng với quy mô lễ hội; Cộng với sự phối hợp giữa các ban, ngành quản lý, tổ chức lễ hội ở một vài địa phương thiếu chặt chẽ.
Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ, nhấn mạnh: “Diện tích để tổ chức lễ hội chỉ có chừng ấy, thời gian chỉ bấy nhiêu ngày, mà lượng người đổ về các lễ hội quá đông. Các cơ quan chức năng địa phương thật vất vả! Bên cạnh đó, còn có sự nhạy cảm bởi các lễ hội truyền thống thường gắn với các vấn đề tín ngưỡng, tâm linh. Xử lý không khéo hoặc thô bạo là sẽ "to chuyện" ngay!”.
Khó tìm đường ra
Ý thức của không ít người tham dự lễ hội đang có phần "sa sút", thiếu văn minh công cộng cũng không còn là chuyện nhỏ nữa khi đến lễ hội, là thấy ồn ào, hỗn tạp và… bẩn!
Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Nguyễn Thế Hùng bình luận: “Việc làm hàng rào ngăn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là không hiệu quả, phải có biện pháp tuyên truyền giáo dục, còn lễ hội là còn phải làm mãi mãi…”.
Thực tế, việc tuyên truyền nhiều năm qua vẫn lặp đi lặp lại tại các lễ hội những biện pháp hành chính mang tính "thủ tục" với hiệu quả không cao. Vẫn chỉ những chiếc loa thông báo ra rả thông báo, những biển cấm, những quy định được dán lên mà không hiểu có mấy ai chịu đọc?
Phải chăng việc giải quyết vấn nạn lễ hội cần đặt ra và yêu cầu nghiên cứu những mô hình, cách thực hiện phù hợp với từng địa bàn, từng lễ hội cụ thể. Trong đó, cần lấy ý tưởng và đảm bảo sự chủ động tham gia của người dân sở tại - những người trực tiếp làm nên và giữ gìn, duy trì lễ hội suốt bao nhiêu năm qua.
Hoạ sĩ Đỗ Đức cho rằng, sự can thiệp một cách hơi thái quá của một số cơ quan vào các sinh hoạt văn hoá của người dân trong lễ hội cũng khiến cho màu sắc lễ hội nghèo nàn hơn và bị hao hao giống nhau ở nhiều nơi.