Trường "trâu" và các cầu thủ U17 Sông Lam. |
Bóng đá ngấm vào máu
Tại Vòng chung kết Giải U17 QG - Cúp báo Bóng đá 2010, mỗi khi Sông Lam Nghệ An thi đấu, người hâm mộ lại thấy Quang Trường lao ra sân, đứng giữa trời nắng chang chang cùng các học trò khởi động trước giờ nhập cuộc.
So với khi còn là cầu thủ, Trường gầy đi nhiều, nhưng tình yêu dành cho bóng đá thì luôn cháy bỏng."Chắc tại vừa huấn luyện, vừa đi đá phủi đều nên "quá tải", giảm tới 5-6 cân. Nghe cũng ngược đời bởi anh em chơi thể thao ai nghỉ xong cũng béo ra, trừ mình", Trường vui vẻ tâm sự trong quán cafe bên đường Duy Tân-TP.Đà Nẵng, ngay sát đại bản doanh của U17 Sông Lam Nghệ An.
Với Trường thì anh còn may mắn hơn một số đồng đội cùng thời cách đây hơn chục năm. Đi đá phủi 7 người trên sân cỏ nhân tạo nghe chuyện anh em thất nghiệp sau khi "treo giày" mà buồn.
Mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng mà Quang Trường đang nhận trên cương vị trợ lý HLV đội U17 Sông Lam Nghệ An hiện nay chỉ đủ để anh trang trải những nhu cầu cá nhân khi vẫn đang theo học lớp tại chức Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (tháng 8 tới mới ra trường).
Nhưng hạnh phúc lớn lao nhất mà nhiều cựu cầu thủ Sông Lam muốn nhưng không có được là gắn mình với sự nghiệp đào tạo trẻ: "Làm bóng đá trẻ nói dễ thì dễ, mà khó cũng rất khó. Tôi nghĩ nếu không có cái tâm thì chả dạy nổi trẻ đâu, mà coi chừng còn làm hỏng cả 1 thế hệ ấy chứ", Quang Trường bộc bạch.
Cái tâm ấy đôi khi không phải điều gì to tát, mà ngay ở những chuyện nhỏ nhất như thay đổi chỗ ăn uống, giúp các cầu thủ trẻ cảm nhận không khí mới mẻ trong bữa ăn, tạo trạng thái tâm lý tốt nhất trước khi ra sân thi đấu.
Tôi biết ơn vợ
Ở đội tuyển quốc gia thủa trước, tất cả vẫn chỉ nhớ tới những pha đi bóng lắt léo của Sơn "công chúa", những cú cắt bóng mạnh mẽ mang mác Hữu Thắng, những bàn thắng của Huỳnh Đức, chứ không ai biết đến cái đầu gối sưng tấy của Quang Trường.
Có thời điểm ở Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, HP.Hà Nội, người ta từng bán tín bán nghi về sự vô kỷ luật của Trường khi anh thường "bỏ tập" vài ngày sau mỗi trận đấu cuối tuần. Chứ ai biết đâu Trường bị chấn thương dây chằng gối, và mỗi trận đá xong lại phải dùng kim tiêm hút dịch đầu gối, rồi mới có thể tập điều chỉnh hồi phục, trở lại thi đấu.
"Thời chúng tôi y học thể thao chưa phát triển, cầu thủ không hiểu biết về chấn thương nên cứ thấy đỡ đau lại tập luyện, thi đấu nên chấn thương ngày càng nặng hơn. Đến giờ, cứ mỗi khi trời lạnh thì nhức, buốt lắm" - Trường nói.
Cũng may là đi qua những quãng ngày tháng thăng trầm gắn với nhiều vị ngọt và trái đắng của đời cầu thủ, Quang Trường đã được đền đáp khi có cậu con trai vào năm 2005 - năm anh chuyển tới thi đấu cho HP.Hà Nội.
Cho đến tận bây giờ khi đã gần bước sáng tuổi 40, Trường vẫn nay đây mai đó cùng bóng đá trẻ Sông Lam. Và trong những khoảnh khắc bay bổng cùng chiến thắng tại Giải U17 QG cùng lứa cầu thủ trẻ do mình đào tạo từ năm 13 tuổi, anh vẫn không thể quên hình ảnh người vợ tần tảo may từng bộ quần áo cho khách để kiếm tiền nuôi ba con ăn học ở Vinh...
Lê Đức