Dân Việt

Làng thanh niên nơi biên ải

26/07/2010 14:06 GMT+7
(Dân Việt) - Dự án làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơ, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai đã thu hút đông đảo các bạn trẻ tình nguyện đến lập nghiệp để xây dựng quê hương mới.
img
Một góc làng TNLN biên giới Ia Mơ.

Ngôi làng định cư trên cánh đồng bằng phẳng rộng 5.000ha. Sau một thời gian đến lập nghiệp, nhiều thanh niên tự hào vì họ đã có sự lựa chọn đúng đắn. Miền đất hoang vu, khô cằn nay đã được đánh thức bởi sức trẻ và quyết tâm của nhiều thanh niên tình nguyện.

Sức trẻ

Năm 2005, Dự án làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) ở xã biên giới Ia Mơ có tổng vốn đầu tư gần 22 tỷ đồng được triển khai. Cuối năm 2007, 10 hộ thanh niên đầu tiên đã đến khai hoang mở đất. Đến nay, làng có 100 hộ đến sinh sống, xây dựng quê hương mới.

Chị Nguyễn Thị Huệ, trước đây sống ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) tâm sự: "Khi mới đến lập làng sợ lắm, bao quanh toàn rừng là rừng thôi. Tuy nhiên, đất đai ở đây màu mỡ nên thu nhập từ cây lúa và chăn nuôi khá cao, cuộc sống đã dần ổn định".

Nhiều hộ còn tận dụng diện tích đồng cỏ chăn nuôi thêm trâu, bò để tăng thu nhập. Cảnh hiu hắt của đèn dầu nay đã được thay bằng ánh điện sáng trưng.

Vào lập nghiệp từ năm 2008, đến nay vợ chồng anh Nguyễn Xuân Chinh đã có cơ ngơi thuộc loại khá trong làng. Anh Chinh kể: "Nhờ anh em trong làng làm đổi công nên cũng đỡ vất vả.

Năm nay hai vợ chồng tôi xuống đồng 2ha lúa, vụ đông xuân vừa rồi thu khoảng 9 tấn lúa. Hai đứa con vẫn đang gửi ở nhà ngoại (huyện Phú Thiện), khi nào làng khang trang chúng tôi sẽ đưa các cháu đến để tiện trông nom".

Mong có một ngôi trường

Ông Nguyễn Hồng Phong - cán bộ phụ trách kế hoạch kỹ thuật (Ban QLDA làng TNLN biên giới Ia Mơ, cho biết: "Đến đây sinh sống và lập nghiệp, mỗi hộ được cấp 4 sào đất ruộng, gần 2ha đất rẫy và 15 triệu đồng để xây nhà, 4 triệu đồng làm bể nước phục vụ sinh hoạt... Hệ thống điện, đường, trạm y tế, thuỷ lợi, nước sinh hoạt được đồng loạt xây dựng".

Ông Phong cho biết thêm, thời gian qua có 17 hộ không đủ điều kiện, Ban QLDA đã trục xuất khỏi làng. Khó khăn lớn nhất của các hộ ở đây hiện vẫn là vốn sản xuất. Thiếu vốn nên hầu hết các hộ chỉ đầu tư ở mức cầm chừng.

Phần lớn các cặp vợ chồng khi đến đây lập nghiệp vẫn phải gửi con cho ông bà ở quê trông. "Do ở đây chưa có giáo viên mặc dù trường học đã xây xong; trạm y tế cũng chưa có y bác sĩ nên vợ chồng tôi chưa dám đưa con lên anh Đàm Văn Nga mà vẫn phải gửi 2 cháu lại cho ông bà nội ở huyện Phú Thiện" - Phó Bí thư chi bộ làng TNLN bộc bạch.

Nhiều người than thở, nếu có đau ốm đột xuất thì rất nguy hiểm. Trạm xá chưa có y bác sĩ nên phải đi gần 15km mới tới Đồn biên phòng 731 để khám bệnh. Chị Nguyễn Thị Huệ vừa đưa con từ xã Ia Lâu vào vẫn canh cánh trong lòng: "Cháu mới học xong lớp 1, tôi đang lo không biết cho con học lớp 2 ở đâu". Nhiều cặp vợ chồng có 1-2 con nhưng vẫn sống cảnh "vợ chồng son" vì các con đều gửi ở quê để có điều kiện học hành. Làng TNLN có khoảng 50 cháu, trong đó gần 30 cháu đến tuổi đi học.

Được biết, thời gian tới sẽ có nguồn vốn 120, cho thanh niên vay quay vòng để phát triển kinh tế, với 10 hộ vay (20 triệu đồng/hộ). Cùng với đó, QL 14C đi qua địa bàn vùng biên đang khởi công. Khó khăn là vậy nhưng ai cũng quyết tâm khởi nghiệp từ đây, chờ đợi một ngày không xa vùng biên viễn này sẽ tươi đẹp, phồn vinh hơn và mang đậm dấu ấn, hơi thở của những thanh niên đầu tiên đặt chân đến lập nghiệp.