Xung quanh vấn đề này, phóng viên NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Vũ Mão nói: Công tác cán bộ là khâu quan trọng đối với sự tồn vong của mỗi quốc gia. Nếu bổ nhiệm cán bộ có năng lực, đúng vị trí thì công việc của đơn vị đó sẽ cực kỳ hanh thông, thuận lợi. Còn bổ nhiệm sai chắc chắn sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Cán bộ ở cấp nào, đơn vị nào cũng quan trọng nhưng cán bộ lãnh đạo ở các tập đoàn, tổng công ty càng đặc biệt quan trọng. Nói như vậy bởi các tập đoàn, tổng công ty kinh tế ở nước ta đang được sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhất là đất đai. Nếu "miếng ngon béo bở" này vào tay những cán bộ yếu năng lực, kém phẩm chất thì tài sản của quốc gia trước sau cũng đội nón ra đi. Vụ việc tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là minh chứng rõ nhất.
Bổ nhiệm có vấn đề
Thưa ông, xin bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi, khi đương chức là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc bổ nhiệm một cán bộ cấp vụ, cục được ông đặt ra thế nào?
- Việc bổ nhiệm tại các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đương nhiên theo quy định chung của Đảng, Nhà nước. Cơ quan tôi có khoảng 30 đầu mối. Nếu tôi bổ nhiệm một đồng chí nào đó làm vụ trưởng, trước hết tôi phải lấy ý kiến đồng nghiệp nơi đồng chí đó đang công tác. Thứ hai, lấy ý kiến của lãnh đạo vụ, cục nơi đồng chí ấy sẽ đến làm việc. Thứ ba, tôi phải lấy ý kiến của đảng uỷ cơ quan. Thứ tư, tổ chức lấy ý kiến các vụ trưởng, vụ phó thuộc Văn phòng Quốc hội.
Nếu vụ trưởng giúp việc cho Hội đồng Dân tộc hoặc các Uỷ ban của Quốc hội thì phải lấy ý kiến của Thường trực Hội đồng hoặc uỷ ban. Đó là chưa kể còn lấy ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách mảng đó. Sau khi hoàn thành những công đoạn trên, tôi mới bổ nhiệm.
Nhiều người lo ngại làm như vậy liệu có rườm rà quá không, tôi khẳng định là không. Công tác cán bộ là phải hết sức thận trọng, không thể làm ào ào cho xong chuyện.
Ông Dương Chí Dũng và dự án ụ nổi UM 83 gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. |
Sở dĩ hỏi ông như vậy vì dư luận nhận thấy việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng - Cục trưởng Cục Hàng hải hình như quá dễ dàng. Nếu làm theo các quy trình như ông nói, có thể đã không có chuyện ông này vừa lên Cục trưởng đã bị truy nã, bắt giam?
- Tôi biết trường hợp bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, từ Chủ tịch HĐQT Vinalines được bổ nhiệm lên Cục trưởng Cục Hàng hải đang khiến dư luận, các đại biểu Quốc hội bức xúc. Cá nhân tôi cũng bức xúc vì quyết định bổ nhiệm ông này chưa ráo mực, mới được 2 tháng thì cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt giam, khởi tố.
Tôi nghĩ việc bổ nhiệm ông này sang làm Cục trưởng Cục Hàng hải ít nhất cũng phải hỏi ý kiến của đảng uỷ tổng công ty, tập thể ở Vinalines. Ngoài ra, phải hỏi ý kiến của đảng uỷ Bộ và Đảng uỷ khối. Không biết họ có làm vậy không? Tôi nghĩ là không. Còn nếu có làm như vậy mà vẫn lọt trường hợp Dương Chí Dũng thì chứng tỏ tập thể Vinalines, Cục Hàng hải cũng có vấn đề.
"Cục Hàng hải đâu phải là đơn vị chiến đấu"
Thưa ông, điều cần bàn ở đây là ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng khi mà Thanh tra Chính phủ đang thanh tra những lình sình ở Vinalines. Khi dư luận đặt vấn đề nghi ngờ việc bổ nhiệm này thì lãnh đạo Bộ GTVT giải thích việc bổ nhiệm do chưa có kết luận thanh tra?
- Tôi cho rằng không nên biện minh vấn đề này. Công tác bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng chắc chắn có uẩn khúc. Đáng lý, khi biết đơn vị đang bị thanh tra, ngoài những quy trình đã phân tích ở trên thì với trách nhiệm quản lý cán bộ cao nhất anh phải hỏi ý kiến bên thanh tra xem cán bộ dự tính được bổ nhiệm có vấn đề gì hay không. Nếu có vấn đề phải bình tĩnh xem xét, đâu cần phải bổ nhiệm vội vàng. Cục Hàng hải đâu phải là đơn vị chiến đấu, đâu cần bổ nhiệm ngay để ra trận. Theo tôi, phải thấy rõ sâu sắc khuyết điểm trong việc bổ nhiệm ông Cục trưởng này để sửa chữa, rút ra các bài học cho những lần bổ nhiệm sau.
Thưa ông, từ trường hợp của ông Dương Chí Dũng, trước đó là trường hợp Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Lữ Ngọc Cư... có thể thấy công tác bổ nhiệm cán bộ hiện vẫn có những lỗ hổng cần giải quyết?
- Tôi đồng tình với nhận xét đó. Theo tôi, công tác nhân sự của chúng ta đang có nhiều vấn đề cần phải khắc phục, sửa chữa, như việc lấy phiếu tín nhiệm còn hình thức, công tác phát hiện bồi dưỡng cán bộ chưa tốt... Thứ hai, quy trình, thủ tục bổ nhiệm vẫn chưa hoàn thiện, việc giao trách nhiệm cho cán bộ chưa rõ ràng. Thứ ba, sau khi bổ nhiệm thì cơ chế giám sát lại chưa chặt chẽ... Tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 vừa qua đã đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ. Nhân dịp này chúng ta cần phải xem xét lại, tìm ra những khiếm khuyết, nguyên nhân và giải pháp để sửa chữa.
Nghị quyết T.Ư khẳng định sẽ lấy tín nhiệm cán bộ hàng năm. Việc này theo ông có kiểm tra được năng lực của cán bộ?
- Theo tôi không nên nói là bỏ phiếu tín nhiệm mà phải nói là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu một cán bộ nào đó có dư luận không tốt, có vấn đề về điều hành thì phải tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay, không cần phải chờ đến hết năm mới thực hiện cái gọi là bỏ phiếu tín nhiệm. Mặt khác, nếu bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm theo tôi rất khó khả thi.
Cần có luật về tập đoàn
Ngoài việc bổ nhiệm cán bộ, tuần qua diễn đàn Quốc hội cũng nóng lên về thực trạng làm ăn thua lỗ, sai phạm tại Vinalines. Thưa ông, vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay là gì?
- Vấn đề ở đây theo tôi là cơ chế của chúng ta chưa rõ ràng. Việc thành lập các tập đoàn, tổng công ty ai cũng đồng tình với quan điểm đây là nòng cốt, sức sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, nằm trong sự tương quan với các thành phần kinh tế, với các doanh nghiệp khác thì nó đang được ưu tiên, cả về con người, cơ sở vật chất, nhất là về đất đai.
Xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm ở Vinalines
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 27.5, liên quan đến sai phạm tại Vinalines, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm trong vụ việc; Chính phủ sẽ không có một sự ưu ái nào đối với doanh nghiệp nhà nước khi có sai phạm so với các thành phần kinh tế khác. Về câu hỏi vì sao khi Vinalines có dấu hiệu sai phạm nhưng ông Dương Chí Dũng vẫn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải, ông Đam cho biết: Hiện nay không có quy định nào không cho phép bổ nhiệm cán bộ khi đơn vị do cán bộ đó điều hành đang bị thanh tra.
Bảo An
Vậy thưa ông, việc quản lý các tập đoàn kinh tế nên như thế nào?
- Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch là phải nhanh chóng xây dựng một luật về quản lý các tập đoàn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có nói quản lý các tập đoàn tới đây sẽ có một văn bản (nghị định) nhưng theo tôi như thế là chưa đủ, cần phải nâng tầm lên cấp khác.
Hiện nay do chưa có luật quản lý các tập đoàn nên không quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Như sai phạm tại Vinalines không phải là ngày một ngày hai mà diễn ra nhiều năm.
Phát hiện sai phạm vừa rồi có công của Thanh tra Chính phủ nhưng những năm trước sao không phát hiện được? Rồi vai trò của kiểm toán, cơ quan tài chính, rồi tổng công ty quản lý vốn... như thế nào?
Không chỉ thế, ở đây còn có lỗ hổng trong giám sát của Quốc hội. Một vấn đề kinh tế lớn như thế thì vai trò giám sát của Quốc hội ra sao?
Vậy thì để làm rõ được trách nhiệm của các bên liên quan, cần có một đạo luật riêng để quản lý chặt chẽ vấn đề vốn, tài sản của Nhà nước trong tập đoàn, tổng công ty cũng như quy định chặt chẽ trách nhiệm của các bên liên quan...
Xin cảm ơn ông!
Văn Hoài (thực hiện)