Dân Việt

Hiến đất xây dựng nông thôn mới: Chỉ mong đẹp nhà, đẹp xóm

29/05/2012 10:24 GMT+7
(Dân Việt) - Phong trào hiến đất để xây dựng NTM đang lan rộng khắp huyện Nam Đàn (Nghệ An). Mặc dù là xã miền núi nghèo, nhưng Nam Hưng đang dẫn đầu trong phong trào này với hàng nghìn m2 đất được dân tự nguyện đóng góp.

Xóa sổ những con đường “chuột chạy”

Chúng tôi về xã Nam Hưng vào một ngày cuối tháng 5, khi cái nắng tới 400C đang “phủ sóng” khắp mảnh đất này. Đi trên con đường nhựa mới coong, rộng thênh thang vẫn còn ngái mùi nhựa đường, mới cảm nhận được NTM đã về với xã miền núi nghèo Nam Hưng.

img
Công trường đang thi công đường NTM ở thôn Hưng Thành, xã Nam Hưng.

Cách đây không lâu, hầu hết những con đường này vẫn là đường đất, mà nói như ông Nguyễn Bá Thắng, ở thôn Hưng Thành, thì đây toàn là những con đường “chuột chạy”. Ấy vậy mà nay đường đã được mở rộng tới 2 chiếc ô tô có thể tránh nhau được, không chỉ vậy mặt đường còn được rải thảm nhựa bóng mịn.

Đi dọc Quốc lộ 15A, nối huyện Nam Đàn với Thanh Chương và Đô Lương, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp vài công trường đang thi công đường giao thông nông thôn, một trong những tiêu chí để xây dựng NTM. Ông Phan Đình Sơn – Chủ tịch UBND xã Nam Hưng, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM cho biết: “Hiện chúng tôi đang ưu tiên làm trước 2 tiêu chí là đường giao thông và trường học”.

Trên đường vào thôn Hưng Thành, thôn đầu tiên thực hiện “xóa” đường đất – thay đường nhựa theo tinh thần kêu gọi của xã, đâu đâu chúng tôi cảnh người dân tự nguyện cắt đất, dỡ bỏ tường rào, nhà bếp, chuồng trâu, bò để nhường đất làm đường. Mặc dù mới khoảng 1 giờ 30 chiều, nhưng cả công nhân và người dân ở thôn Hưng Thành đã kéo nhau ra san đường, đổ đá, nấu nhựa để đổ đường.

Đang đun củi nấu nhựa, chuẩn bị đổ đường, giữa hơi nóng của lửa, nhựa đường và cái nắng 400C, nhưng anh Nguyễn Văn Toàn, ở thôn Hưng Thành vẫn vui vẻ nói: “Mặc dù tôi đi làm lấy công, nhưng làm đường NTM anh em ai cũng nhiệt tình, cẩn thận. Năm nay tôi gần 40 tuổi rồi, nhưng nằm mơ cũng không nghĩ là một ngày đường làng mình được thảm nhựa, ấy thế mà chính tay mình lại được thảm nhựa cho đường làng”.

Đẹp nhà, đẹp xóm

Ông Phan Đình Sơn cho hay, xã Nam Hưng có tất cả 10 thôn, với gần 4.000 khẩu/2.200 hộ dân. Đời sống người dân còn rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và trồng rừng là chính. Vì thế, để vận động người dân đóng góp tiền của, hiến đất xây dựng NTM, xã đã tiến hành rất nhiều biện pháp, như tổ chức lễ phát động xây dựng NTM, tuyên truyền bằng băng rôn, sân khấu hóa, rồi qua hệ thống loa truyền thanh của xã, xóm… Tuy nhiên, theo ông Sơn, một trong những thành công trong việc vận động người dân góp tiền, hiến đất là do thực hiện tốt quy chế dân chủ.

“Mỗi năm, chúng tôi sẽ làm đường ở 1 - 2 thôn, thôn nào dân nhất trí tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng thì thôn đó được làm trước”.

Cũng theo ông Sơn, hiện xã vẫn đang phải dựa 100% vào sức đóng góp của người dân để làm NTM, nên ngay việc lựa chọn đơn vị thi công cũng được xã thực hiện kỹ. Đơn vị nào thầu rẻ, cho nợ chậm hoàn vốn sẽ cho đấu thầu. “Cả xã có khoảng 18km đường liên thôn, hiện chúng tôi đã làm được 10km đường nhựa, trung bình 1,5 tỷ đồng/km, tập trung ở thôn Hưng Thành, Đình Long 1, thôn 32... Ngoài ra, trong năm 2011, xã cũng đã xây mới 3 phòng học cho trường mầm non hết gần 800 triệu đồng” – ông Sơn cho biết thêm.

Chỉ tính riêng 25 hộ ở thôn Hưng Thành gần mặt đường đã hiến tới 5.000m2 đất và hàng trăm m2 tường rào để làm đường. Dẫn chúng tôi ra đoạn tường rào vừa dỡ, ông Lưu Văn Minh, một người dân ở đây cho biết: “Tôi là một cựu chiến binh, mặc dù tường rào của tôi đã xây kiên cố, nhưng khi xã, thôn đề nghị lui vào 50cm để nắn đường thẳng, rộng tôi nhất trí ngay. Tính ra, nhà tôi hiến khoảng 30m2 đất và khoảng 100m2 tường rào, nếu xây lại chắc phải 5 triệu mới xong, nhưng vì đẹp nhà, đẹp xóm tôi không nghĩ ngợi gì”.

Hộ bà Nguyễn Thị Triều cũng hiến khoảng 80m2 đất vườn, 3 cây vải thiều đã cho quả mấy năm nay và nhiều cây trồng khác. Bà Triều nói: “Bao đời nay mình phải đi con đường “chuột chạy”, nay xã, thôn có chủ trương mở đường xây dựng NTM, mình hiến đất làm trước thì được hưởng lợi trước”.