Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng hệ thống kho chứa 4 triệu tấn lúa tại ĐBSCL theo Nghị quyết về đảm bảo an ninh lương thực của Chính phủ, đến nay tiến độ xây dựng các dự án kho chứa vẫn rất chậm chạp, thậm chí nhiều dự án còn đang nằm trên giấy.
Kho chứa lúa, gạo tại Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang. |
Dân lấy nhà làm kho
Theo Bộ NNPTNT, năng suất lúa của ĐBSCL hàng năm đạt khoảng 22 triệu tấn. Thế nhưng, tổng kho chứa hiện tại chỉ đạt 2,5 triệu tấn. Thông thường, đến mùa thu hoạch lúa, nông dân phải bán lúa tươi ngay tại ruộng hoặc trữ lại bằng cách chất đống xung quanh nhà.
Ông Ngũ Văn Cần, canh tác 1ha lúa ở thị trấn Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Nếu khi thu hoạch, giá lúa sụt giảm, nông dân muốn trữ lại thì chỉ còn cách là cho vào bao để chất đống trước cửa nhà. Tuy nhiên, cách trữ này sẽ gây thất thoát và giảm phẩm chất hạt lúa nên chẳng bao lâu chúng tôi buộc phải bán ra”.
Tại Đồng Tháp, theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh này, đầu tháng 5 vừa qua, lúa đông xuân còn tồn trên địa bàn tỉnh khoảng 400.000 tấn. Trong đó, phân nửa được các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đang tồn trữ, phần còn lại là trong dân. Lúa còn tồn trong dân chủ yếu được trữ bằng cách chất đống quanh nhà nên gây thất thoát và giảm phẩm chất hạt lúa. Vì vậy, thiệt thòi vẫn thuộc về nông dân do không có kho chứa lúa.
Hầu như ở tất cả các địa phương vùng ĐBSCL đều có cảnh nông dân chất lúa thành từng đống trước cửa nhà sau mỗi vụ thu hoạch. Cách trữ lúa này là giải pháp tình thế do thiếu kho chứa lúa.
TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Kho chứa lúa ở ĐBSCL vừa thiếu lại vừa yếu, nhiều kho chứa không đảm bảo yêu cầu bảo quản chất lượng. Hệ thống kho chứa lâu nay yếu kém do doanh nghiệp khi nào có hợp đồng xuất khẩu mới tập trung mua lúa trong dân. Vì vậy, khi giá xuống thấp họ không mua mà để dân tự tồn trữ bằng cách chất đống quanh nhà làm giảm chất lượng hạt lúa, thất thoát nhiều”.
Giẫm chân tại chỗ?
Chương trình xây dựng 4 triệu tấn kho chứa lúa gạo (1,5 triệu tấn kho chứa cũ và 2,5 triệu tấn kho sẽ xây dựng mới) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, đến nay tiến độ xây dựng rất chậm, nhiều dự án vẫn chưa khởi công xây dựng và dự kiến đến hết năm 2013 mới hoàn thành.
Nhiều địa phương đã tìm mọi giải pháp để thu hút đầu tư như giảm, miễn thuế, tiền thuê đất nhưng tiến độ thực hiện các dự án này rất chậm. Tại tỉnh Hậu Giang, năng suất lúa bình quân khoảng 1,2 triệu tấn nhưng năng lực các kho chứa hiện tại của các doanh nghiệp tư nhân và Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang chỉ khoảng 40.000 tấn. Chương trình xây dựng kho chứa 4 triệu tấn lúa ở ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang được giao chỉ tiêu xây dựng 130.000 tấn nhưng đến nay vẫn chưa khởi công dự án nào. Một số dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Đang rà soát lại
Trao đổi với NTNN, ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Đến nay, tổng tích lượng kho xây mới tại ĐBSCL mới đạt khoảng 1 triệu tấn, nếu tính cả kho sắp đưa vào sử dụng của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và các doanh nghiệp khác thì tích lượng kho xây mới chỉ đạt 1,5 triệu tấn. Hiện chúng tôi đang tập trung rà soát lại toàn bộ hiện trạng các kho chứa lúa ở khu vực này, từ đó sẽ có những kiến nghị đề xuất trình Bộ, để Bộ báo cáo Chính phủ có những cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này”. Theo dự kiến, đến hết năm nay, ĐBSCL sẽ xây dựng được hệ thống kho chứa cho 3 triệu tấn lúa, song với tiến độ như hiện nay, kế hoạch này sẽ rất khó thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Dự kiến đến tháng 7 này, Tập đoàn Phương Trang sẽ xây dựng kho chứa lúa khoảng 200.000 tấn tại Cụm Công nghiệp Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Khi đó, sẽ giải quyết cơ bản vấn đề kho chứa lúa cho bà con nông dân. Song sau khi khởi công thì ít nhất 1 năm nữa mới hoàn thành”.
Theo ông Đồng, mới đây Công ty Lương thực Miền Nam đã xin chủ trương của UBND tỉnh để xây dựng 3 kho chứa lúa tại TP. Vị Thanh, huyện Vị Thủy và Long Mỹ với mỗi kho khoảng 30.000 tấn. Dù vậy, tại rất nhiều địa phương khác như TP. Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp… tiến độ xây dựng kho chứa chậm so với kế hoạch. Trong khi đó, nhu cầu kho chứa là rất bức thiết để giảm thất thoát sau thu hoạch, chủ động tồn trữ để điều tiết khi giá cả thị trường biến động…
Theo TS Lê Văn Bảnh, nhiều doanh nghiệp không có kho chứa cũng tham gia xuất khẩu. Vì thế, Nhà nước cần có quy định thật chặt chẽ, doanh nghiệp nào tham gia xuất khẩu gạo thì nhất định phải có nhà máy, kho tàng đạt chuẩn. Từ đó mới bắt buộc doanh nghiệp xây dựng kho chứa để bảo quản tốt, giảm thất thoát”.
Hoàng Mai