Chỉ đến ngay trước phiên họp hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chốt được danh sách các loại hàng hóa bỏ ra ngoài diện bình ổn. Đó là sắt thép, xi măng, vé ngồi tàu cứng, thức ăn chăn nuôi...
Điểm chung nhất của các loại "không cần bình ổn" này ngoài việc thậm chí thừa mứa, là có mức độ cạnh tranh cao trong từng chủng loại. Đại ý không vé ngồi tàu cứng đã có ô tô tư nhân. Không có xi măng Tam Điệp thì đã có xi măng Ching Phong. Còn thức ăn chăn nuôi? Không bao giờ nên bình ổn khi mà sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu của thức ăn luôn ở vào tình trạng được mùa đến rớt giá.
Chính cạnh tranh đã tạo nguồn cung dồi dào. Chính vì sự dồi dào đã tạo ra sự cạnh tranh giá, nhưng là theo chiều hướng giảm.Vì vậy, bản chất của vấn đề giá cả là sự cạnh tranh.
Hôm qua, nhiều đại biểu đã đề nghị đưa sữa, đường, muối ra khỏi danh sách bình ổn, bởi ngoài sự dư thừa dẫn đến rớt giá, đối với sữa, còn là một thị trường cạnh tranh tương đối hoàn hảo với 72 doanh nghiệp sản xuất và 230 nhà nhập khẩu. Con số này thật là "khổng lồ" so với lĩnh vực xăng dầu và điện.
Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, loại hàng hóa đã được "thả nổi" thì đến giờ, cả nước mới có 12 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, trong đó, riêng "anh cả" Petrolimex có lúc đảm bảo 53% nguồn cung cả nước, chiếm lĩnh hơn 60% thị phần bán lẻ. Đối với ngành điện, vẫn chỉ là cái tên quen thuộc EVN.
Trước khi Luật Giá ra Quốc hội, đã có vô vàn khuyến cáo "chỉ giải tỏa được bức xúc trước mắt khi không giải quyết gốc rễ vấn đề", rằng "giảm được giá hàng hóa này sẽ làm phình to giá hàng hóa khác", khi tinh thần của luật vẫn là "kiểm soát giá", dù đó bất chấp là việc can thiệp vào thị trường một cách hành chính. 15 năm trước, khi Viettel được thành lập- dù vẫn là doanh nghiệp nhà nước, thị trường cước di động đã chứng kiến cuộc cạnh tranh giá cước chưa từng có. Giá cước, trước đó được bình luận là "ở trên trời chứ không phải trên mây" đã xuống đến dưới lòng đất, thể hiện trên chỉ số âm (-) trong CPI .
Sự méo mó của thị trường và những cơn tăng nóng về giá, và chỉ số niềm tin của dân chúng đang xuống thấp trong lĩnh vực quản lý giá chỉ có thể chấm dứt khi có sự cạnh tranh, thứ sẽ là phương thuốc hữu hiệu tạo nguồn cung và giải quyết rốt ráo bài toán giá. Bởi còn độc quyền thì không thể có thị trường, không thể có cơ chế thị trường, thứ mà Luật Giá đang hướng tới.
Đào Tuấn