Dân Việt

ĐBSCL: Hàng loạt nhà máy thức ăn chăn nuôi đóng cửa chờ "chết"

30/05/2012 08:49 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, nghề nuôi thủy sản gặp khó khăn đã kéo theo các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản cũng lâm vào cảnh khốn khó. Hàng loạt nhà máy đóng cửa vì không có đầu ra cho sản phẩm.

Đua nhau xây dựng nhà máy

Năm 2008 được xem là năm huy hoàng nhất của ngành chế biến thức ăn thủy sản khi hàng loạt các nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động. Theo thống kê, lúc đỉnh điểm, toàn vùng ĐBSCL có trên 65 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản. Việc xây dựng nhà máy ồ ạt đã kéo theo hệ lụy là cung vượt cầu. Các nhà máy mới ra đời đã tung ra đủ mọi chiêu thức để lôi kéo khách hàng như khuyến mãi, tặng quà, cho nợ… để giành giật khách hàng.

img
Nhiều nhà máy chế biến thức ăn thủy sản đang “hấp hối” (ảnh minh họa).

Trước tình hình này, ngành chế biến thức ăn thủy sản, nhất là thức ăn cho cá tra gần như bị rối loạn. Ông Phạm Văn Bên – Chủ doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (chuyên sản xuất thức ăn cá tra ở khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết: “Khi nghề nuôi thủy sản phát triển, rất nhiều người nhảy vô nghề chế biến thức ăn dù không có kinh nghiệm hay nguồn nhân lực. Chính điều này đã làm cho ngành chế biến thức ăn bị đảo lộn và cạnh tranh không lành mạnh vì cung đã vượt cầu”.

Theo thống kê của Sở Công Thương Đồng Tháp, thời đỉnh điểm, toàn tỉnh có đến 24 nhà máy chế biến thức ăn cá tra với tổng công suất khoảng 2,5 triệu tấn thức ăn/năm. Tuy nhiên, toàn tỉnh này mỗi năm chỉ nuôi tối đa 300.000 tấn cá tra, với nhu cầu thức ăn chỉ khoảng 500.000 tấn. Các nhà máy mới ra đời muốn bán được sản phẩm bắt buộc phải cạnh tranh với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc hạ giá bán.

Tại Cần Thơ, An Giang cũng có rất nhiều nhà máy chế biến thức ăn thủy sản ra đời khi nghề nuôi cá tra, nuôi tôm phát triển nóng ở ĐBSCL.

Ông Trần Kê An – nhân viên kinh doanh của một công ty chế biến thức ăn thủy sản ở TP. Cần Thơ cho biết: “Tại Cần Thơ có lúc có trên 30 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, thậm chí nhiều cơ sở mua bao bì để làm gia công rồi nhảy vô thị trường thức ăn thủy sản. Ngành chế biến thức ăn rất rối do quá nhiều nhà máy, nhiều nhãn hiệu thức ăn cá, tôm trên thị trường. Khi đó, người nuôi cá tra cũng không biết đường đâu mà lần...”.

Ông Võ Văn Đệ - nông dân nuôi cá tra ở phường Thuận An (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho biết: “Nhiều nhãn hiệu thức ăn ra đời khiến người nuôi cá cũng không biết đường nào mà lựa chọn. Thậm chí, một số nhãn hiệu mới tuy sản phẩm có cùng độ đạm nhưng giá lại rẻ hơn nhãn hiệu mà chúng tôi sử dụng trước đây khiến nhiều người dao động, chọn sản phẩm mới…”.

Đồng thời, nhiều nhãn hiệu mới đã cạnh tranh bằng cách cho nợ gối đầu, bán chịu... dẫn đến rối loạn trong lĩnh vực này.

Đóng cửa và chờ “chết”

Sau thời gian phát triển nóng thì hệ lụy là hàng loạt các nhà máy đã đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất khi nghề nuôi thủy sản đã bắt đầu co cụm lại, nhiều nông dân treo ao, bỏ nghề...

Theo nhiều chuyên gia trong nghề chế biến thức ăn chăn nuôi, hiện nay ở ĐBSCL cứ 10 nhà máy thì có đến 8 nhà máy đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp có 24 nhà máy thì chỉ còn 3 nhà máy vẫn còn hoạt động bình thường, 7 nhà máy đang thoi thóp và 14 nhà máy đã ngừng hoạt động.

Theo nhiều chuyên gia, qua đợt sàng lọc này sẽ giúp cho ngành chế biến thức ăn sẽ phát triển mạnh hơn. Những nhà máy còn trụ lại được sẽ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững hơn.

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Một số nhà máy chế biến thủy sản, chế biến thức ăn thủy sản trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Sở đang tham mưu cho tỉnh có giải pháp để tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp”.

Hiện tại, nghề nuôi cá tra đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều người nuôi thua lỗ nên đã treo ao, bỏ nghề. Chính vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến thức ăn thủy sản.

Đại diện một công ty chế biến thức ăn thủy sản ở TP. Cần Thơ cho biết: “Rất nhiều công ty đã giảm công suất hoặc ngừng hoạt động vì nghề nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các nhà máy đang hoạt động phải giảm khoảng 40% công suất, đồng thời chỉ bán thức ăn gối đầu cho các mối là người nuôi đã làm ăn lâu dài với công ty. Còn thị trường mới hầu như bị bỏ ngỏ vì quá nhiều rủi ro. Các nhà máy có năng lực cũng bắt buộc phải giảm công suất vì thị trường rất ảm đạm”.