Dân Việt

Điểm tựa của người Dao

30/05/2012 13:44 GMT+7
(Dân Việt) - Về Tri Phú những ngày tháng 5 này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những quả đồi mai, tre, chuối... xanh mơn mởn và cả màu ngói mới nổi bật trên những công trình điện - đường - trường - trạm...

Dựa chiếc cuốc vào vách nhà, anh Triệu Văn Tuấn (bản Nghiên, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) mời chúng tôi vào căn nhà kiên cố mới khánh thành, nói: "Kết quả của mấy vụ chuối đấy. Nếu không có Hội ND giúp đỡ thì gia đình tôi và 22 hộ ở bản này còn quanh năm nghèo đói".

Tri Phú - xã vùng xa của huyện Chiêm Hóa, địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Dao được gọi là "vương quốc sỏi nhiều đất ít". Trong ký ức người lớn tuổi ở các bản vẫn in đậm về những tháng ngày sống du canh du cư trên núi cùng những túp lều tạm xiêu vẹo.

img
Những quả đồi trồng chuối đang góp phần làm đổi thay cuộc sống của đồng bào Dao ở Tri Phú.

Nghe cán bộ, hết đói

Với quyết tâm giúp bà con thoát nghèo, cùng với vận động bà con xuống núi định cư, các cán bộ Hội ND đã trực tiếp mang ngô, thóc giống vào từng bản, hướng dẫn từng nhà cách gieo trồng. Một vụ rồi hai vụ, thấy những hộ nghe theo cán bộ đều thu hoạch được cả bồ thóc to, những hộ khác xuống núi theo, không du cư phá rừng làm rẫy nữa.

"Vợ chồng tôi là những người tiên phong ở bản Tát xuống núi khai khẩn ruộng trồng lúa nước; cải tạo đồi hoang để trồng tre, trồng mai và vải thiều. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ Hội ND, giờ đây hơn 3ha tre, mai trên 10 tuổi của gia đình tôi đã cho thu hoạch gần 40 triệu đồng/năm. Chúng tôi không những đủ ăn mà còn làm được nhà đẹp, sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh, các con được học hành. Chẳng riêng nhà tôi, hầu hết bà con trong bản, trong xã đều đã khấm khá" - ông Hoàng Dần Minh, năm nay đã bước vào tuổi thất thập, tự hào kể.

Với anh Triệu Văn Tuấn ở bản Nghiên thì cứu tinh giúp gia đình ông khá giả là chuối - cây gắn bó với bà con từ bao đời nhưng chỉ trồng lấy quả ăn chơi chứ chẳng ai nghĩ sẽ có ngày thành cây hàng hóa đem về bạc triệu. Anh Tuấn chia sẻ, lúc mới nghe cán bộ Hội ND khuyên nên trồng chuối trên quả đồi khô cằn sỏi đá của gia đình, cả nhà ai cũng bán tín bán nghi, nhưng được Hội hỗ trợ vay vốn, mua phân bón, giống nên cũng mạnh dạn trồng. Gần 4ha chuối nay đã cho quả, cộng với nguồn thu từ ao cá, chăn nuôi... đem về cho vợ chồng anh Tuấn mỗi năm không dưới 80 triệu đồng.

"Riêng bản Nghiên, tổng diện tích trồng chuối cũng khoảng 75ha. Trồng chuối thì khâu cải tạo đất ban đầu là vất vả nhất, sau đó chỉ cần giữ đất tơi xốp, rải một lớp phân xanh trộn cùng phân NPK tổng hợp là có những buồng chuối ưng ý. Mong mỏi nhất của chúng tôi là con đường vào bản sớm được bê tông hóa để mỗi vụ chuối, thương lái không còn nại lý do vì đường khó đi mà ép giá" - anh Tuấn bày tỏ.

Bạn của người Dao

Đó là cách gọi thân mật bà con các bản dành tặng các cán bộ Hội ND. “Gia đình tôi giờ đây ngoài vườn chuối rộng cả ha còn có 2 ao cá cùng 3ha trồng nhãn, tre, mai. Được Hội ND giúp vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật để làm VAC, không chỉ tôi mà tất cả bà con trong bản đều tự tin làm ăn" - lão nông 60 tuổi Đặng Đức Toàn (bản Nghiên) tâm sự.

“Được Hội ND giúp vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật để làm VAC, không chỉ tôi mà hầu hết bà con trong bản đều tự tin làm ăn".

Với việc hỗ trợ thiết thực, Hội thực sự trở thành người bạn, chỗ dựa vững chắc cho hội viên, ND ở 15 chi hội trong xã. "Làm công tác vận động ND ở các bản làng đồng bào dân tộc khó gấp nhiều lần ở dưới xuôi, bởi điều kiện sống, trình độ dân trí của bà con còn thấp và địa bàn núi rừng phân tán. Để thuyết phục, tập hợp ND, cán bộ hội phải gần gũi bà con. Giờ đây, hầu hết các gia đình trong xã đã có cuộc sống ổn định" - ông Ma Văn Hưng - Chủ tịch Hội ND xã Tri Phú cho biết.

Về Tri Phú những ngày tháng 5 này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những quả đồi mai, tre, chuối... xanh mơn mởn, hứa hẹn một mùa thu hoạch thắng lớn và cả màu ngói mới nổi bật trên những công trình điện - đường - trường - trạm, những ngôi nhà cao tầng mới khánh thành. Đó cũng là một thành công của hoạt động Hội ND nơi đây.